Thỏa thuận ngừng bắn Syria: Chủ nghĩa hoài nghi có đi quá trớn?
(Cadn.com.vn) - Hai cường quốc Nga và Mỹ đang có những động thái ngoại giao như con thoi để giúp thỏa thuận ngừng bắn cho Syria được thực thi hiệu quả.
Vậy là cuối cùng, lệnh ngừng bắn cho Syria đã kiên cường “sống sót” qua những ngày khá yên bình bất chấp những cáo buộc vi phạm. Đây cũng là cơ hội hòa bình hiếm hoi đối với quốc gia Trung Đông này kể từ khi bùng nổ chiến tranh hồi tháng 3-2011.
Nhưng thật đáng tiếc khi chủ nghĩa hoài nghi vẫn song song tồn tại với lệnh ngừng bắn lần này. Sẽ thật yên bình nếu thỏa thuận này được tuân thủ đến phút cuối, song nhiều người cho rằng, cơ hội này ít khả năng xảy ra. Đúng, tất cả những nỗ lực trước đó để ngăn chặn bạo lực ở Syria và đưa các bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán đã sụp đổ trong lo sợ.
Lực lượng quân đội Syria giành lại một số khu vực chủ chốt từ tay IS |
Lần này, một quan chức trong Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) đối lập cho biết, lệnh ngừng bắn đang có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn do các cuộc tấn công từ chính quyền Syria. Pháp cũng cho biết có thông tin về các cuộc tấn công nhằm vào phe đối lập. Trong khi đó, phe chính phủ cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào các cứ điểm bên trong lãnh thổ Syria, dưới sự phối hợp cùng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sự hoài nghi đang đi quá trớn. Bởi họ đang nhìn vào nỗ lực của Mỹ và Nga – hai quốc gia làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn lần này. Thực tế, hai cường quốc này đang có những động thái ngoại giao như con thoi để giúp lệnh ngừng bắn Syria không bị chết yểu. Trong tuyên bố đưa ra hôm 1-3, Mỹ khẳng định cam kết thực thi việc ngừng các hành động thù địch tại Syria, bất chấp có những thông tin về các vụ vi phạm ngừng bắn. “Mỹ đã đoán trước sẽ có báo cáo về các vụ vi phạm và chúng tôi sẽ xử lý một số “ổ gà trên đường” để thực thi thành công thỏa thuận ngừng bắn”, người phát ngôn Nhà Trắng John Earnest nêu rõ tại cuộc họp báo thường ngày.
Trong khi đó, tại LQH, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết dù đã xảy ra một số vụ việc nhưng về cơ bản, thỏa thuận này vẫn đang được giữ vững. Theo ông Ban Ki-moon, lực lượng đặc nhiệm của LHQ đang cố gắng đảm bảo những sự cố này không tái diễn và tình trạng ngừng bắn được duy trì. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh, các bên liên quan đang nỗ lực theo dõi các hành vi vi phạm nhưng hiện không có bằng chứng cho thấy nó sẽ làm mất đi cơ hội hòa bình mong manh cho Syria. Tại Nga, Điện Kremlin cho biết, lệnh ngừng bắn đang được tuân thủ và sẽ thành công, dù chắc chắn không dễ dàng. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, thỏa thuận phần lớn được tuân thủ, với thương vong giảm đi rất nhiều so với trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Thỏa thuận ngừng bắn do Moscow và Washington dàn xếp có hiệu lực tại Syria từ ngày 27-2, nhưng không áp dụng đối với nhóm Hồi giáo IS và Mặt trận Al-Nusra. Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu hiện vẫn đang tiến hành các chiến dịch không kích tại quốc gia Trung Đông này, nhắm mục tiêu các nhóm khủng bố. Theo Reuters, lực lượng chính phủ Syria đang đạt được nhiều kết quả trong cuộc chiến chống khủng bố này. SOHR hôm 1-3 cho biết, quân đội chính phủ giành lại phần lãnh thổ gần thủ đô Damascu sau trận chiến với Mặt trận Al-Nusra và phiến quân Hồi giáo khác. Lực lượng chính phủ cũng giành quyền kiểm soát một con đường được quân đội sử dụng để đi vào Aleppo, sau khi giành những chiến thắng trước các tay súng IS.
Rõ ràng, việc đình chiến theo thỏa thuận này, lần đầu tiên được tuân thủ khá nghiêm ngặt kể từ khi nội chiến Syria xảy ra. Điều này, cho phép các cuộc đàm phán hòa bình sẽ sớm được nối lại và việc viện trợ đến cộng đồng tại những khu vực bị bao vây được suôn sẻ hơn.
Khả Anh