Báo Công An Đà Nẵng

Thỏa thuận sống còn

Thứ hai, 22/09/2014 10:32

(Cadn.com.vn) - Anh sáng đã le lói cuối đường hầm trên cung đường chính trị ở Afghanistan khi hai ứng viên đối thủ trong bầu cử Tổng thống ký thỏa thuận thành lập chính phủ thống nhất hôm 21-9.

Đây thật sự là thỏa thuận sống còn đối với quốc gia Nam Á này, đánh dấu chấm dứt tranh cãi gay gắt kéo dài nhiều tháng qua vốn gây bất ổn tại đất nước chuẩn bị chứng kiến quân đội nước ngoài rút quân. Hai ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani và cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah bất đồng gay gắt về vấn đề chia sẻ quyền lực giữa tổng thống và quan chức điều hành cấp cao.

Và giờ đây, 2 nhân vật này nhất trí, tổng thống sẽ chủ trì nội các, trong khi “quan chức điều hành cấp cao” sẽ đứng đầu một cơ quan mới là Hội đồng Bộ trưởng tương đương chức Thủ tướng. “Quan chức điều hành cấp cao” là chức vụ mới, được thiết lập dưới sự lãnh đạo của tổng thống. Theo phần tiếp theo của thỏa thuận, ông Ghani - người được tuyên bố giành chiến thắng - sẽ trở thành tổng thống và “quan chức điều hành  cấp cao” Abdullah sẽ được mở rộng quyền hạn. Mặc dù vậy, thời điểm thỏa thuận này có hiệu lực vẫn chưa rõ ràng.

Lễ ký kết được mong chờ diễn ra vào khoảng 14 giờ 30 (giờ Việt Nam) tại Dinh Tổng thống ở Kabul – vốn vẫn do Tổng thống Hamid Karzai nắm giữ mặc dù quá trình bầu cử đã bắt đầu vào tháng 4. Thỏa thuận cứu vãn tương lai nước nhà này diễn ra trùng thời điểm với việc Ủy ban Bầu cử Afghanistan công bố kết quả cuối cùng của vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi. Tuy nhiên, dường như kết quả bầu cử Tổng thống vốn rất được trông chờ này không còn quá quan trọng trong bối cảnh các ứng cử viên đối địch đã nhất trí chia sẻ quyền lực.

Cuộc bầu cử năm nay vốn được ca ngợi là bước ngoặt lịch sử với nỗ lực chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên trong lịch sử khốn khó của Afghanistan. Tuy nhiên, hình ảnh bầu cử bị hủy hoại bởi tranh chấp kéo dài, gây khó khăn cho sự chuyển đổi suôn sẻ từ Tổng thống Karzai, người nắm quyền ở quốc gia Nam Á này ngay sau khi Taliban bị lật đổ vào cuối năm 2001.

Cả hai ứng cử viên này đều tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bị phủ bóng đen bởi gian lận. Mỹ và LHQ đã phải vào cuộc nỗ lực thúc đẩy thành lập “chính phủ đoàn kết dân tộc” để giúp Afghanistan tránh quay trở lại thời kỳ chia rẽ sắc tộc trong cuộc nội chiến những năm 1990.

Và giờ đây, xem ra nhiệm vụ của các bên đã thành công bước đầu. Và tất nhiên, gánh nặng giờ đè nặng lên tân Tổng thống, trong đó có quyết sách liệu có ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương (BSA) với Mỹ hay không.

Thanh Văn