Báo Công An Đà Nẵng

Thoát "bẫy" tội phạm công nghệ nhờ chiếc quạt phòng chống tội phạm

Thứ bảy, 08/08/2020 12:22

Một ngày cuối tháng 7-2020, đang chuẩn bị bữa trưa, chuông điện thoại của chị Phạm Thị Y. (38 tuổi, trú Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đổ dồn. Số điện thoại gọi đến là +84918008091 và giọng một phụ nữ giới thiệu tên Lan Anh, nhân viên của nhà mạng viễn thông VinaPhone Chi nhánh TPHCM. Sau một vài câu xã giao, nhân viên này thông báo thuê bao số ĐTDĐ của chị Y. đang sử dụng có liên quan đến hoạt động phạm pháp. Cụ thể là số thuê bao này đăng ký cài đặt các phần mềm Facebook, Zalo, Viber... có những thông tin chia sẻ, bình luận, quảng cáo vi phạm pháp luật. Số thuê bao này đăng ký tại TPHCM và liên tục sai phạm, đã có hồ sơ gửi về nhà mạng yêu cầu khóa số.

CAQ Cẩm Lệ tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao.

Trước những thông tin bất ngờ này, chị Y. tỏ ra hoang mang và cố giải thích rằng bản thân cùng gia đình ở Đà Nẵng, chưa từng vào TPHCM. Và số thuê bao đang sử dụng đăng ký ở Trung tâm VinaPhone Chi nhánh Đà Nẵng, không phải ở TPHCM. Ngay lập tức, người gọi yêu cầu chị Y. đọc 2 số cuối của Chứng minh Nhân dân (CMND), sau đó thông tin chính xác toàn bô dãy số CMND khiến chị Y. tin mình đang làm việc với nhân viên nhà mạng.

Lo sợ bị khóa số ĐTDĐ đang sử dụng, bởi nếu bị khóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thông tin liên lạc, nhất là các giao dịch làm ăn, chị Y. cố gắng giải thích với người tự xưng là nhân viên nhà mạng. Tuy nhiên, mọi giải thích đều không thuyết phục, cuối cùng nhân viên nhà mạng tên Lan Anh yêu cầu chị Y. phải vào TPHCM để trình báo với cơ quan Công an. Chỉ cần cơ quan Công an điều tra, xác minh chị Y. không liên quan đến hoạt động phạm pháp trên mạng Internet thì số liên lạc mới không bị khóa.

Tự dưng bị yêu cầu vào TPHCM để xác minh điện thoại, chị Y. không chấp nhận thì Lan Anh đưa ra phương án khai báo từ xa. Cụ thể, Lan Anh sẽ nối máy đến với Cơ quan điều tra Công an TPHCM để chị Y. trình báo. Chưa kịp để cho chị Y. suy nghĩ, máy đã được chuyển đến cho một người nam nói giọng miền Bắc. Người này xưng tên là Trần Tuấn Anh, đang công tác tại Phòng điều tra tội phạm của Công an TPHCM. Tuấn Anh giới thiệu cấp bậc, số hiệu công an nhân dân và hỏi rất chi tiết về thông tin số thuê bao của chị Y. cũng như nêu ra rất nhiều sai phạm có thể bị tù giam.

Sau một hồi đặt ra rất nhiều câu hỏi, Tuấn Anh thông báo là sẽ làm việc với chị Y. theo hình thức báo án từ xa. Hắn yêu cầu chị Y. kiểm tra pin trong máy điện thoại di động, vào phòng kín làm việc và không cho người thứ 3 biết việc này. Sau khi biết chị Y. làm theo yêu cầu, Tuấn Anh bắt đầu hỏi rất nhiều thông tin về đời tư, trong đó có cả việc các tài khoản đã mở ở ngân hàng nào...

Khi “cán bộ công an” Tuấn Anh hỏi đến đây, chị Y. chợt nhớ đến chiếc quạt phòng chống tội phạm được CAQ Cẩm Lệ phát tận tay trong đợt tuyên truyền phòng chống tội phạm công nghệ cao. Thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo được in trên chiếc quạt nêu rõ: “Kẻ lừa đảo sử dụng số điện thoại ngụy trang, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân. Người dân không nghe hoặc gọi lại các cuộc gọi bắt đầu dãy số bằng dấu + vì đây là cuộc gọi không xác định nguồn...”.

Xâu chuỗi lại tất cả dữ liệu trước đó và nhất là số điện thoại của nhân viên tên Lan Anh gọi đến có dấu (+) phía trước, chị Y. biết mình đang ở trong bẫy lừa của bọn tội phạm công nghệ cao nên chủ động tắt máy, trình báo sự việc đến cơ quan chức năng.

NGUYÊN THẢO