Báo Công An Đà Nẵng

Thời cơ hay thách thức!

Thứ ba, 05/01/2016 09:17

(Cadn.com.vn) - Bước vào năm 2016, tại thời điểm khi Liên minh Châu Âu (EU) đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, Hà Lan tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Châu Âu (EC). Đây được cho là thách thức lớn đối với quốc gia này nhưng cũng là cơ hội để Hà Lan thể hiện và phát huy sức mạnh của họ.

4 lĩnh vực ưu tiên của Hà Lan là giải quyết bài toán di cư, an ninh quốc tế, tài chính và một Khu vực đồng Euro (Eurozone) mạnh mẽ hơn, trong nỗ lực được đánh giá là tập trung vào các yếu tố cần thiết: thúc đẩy tăng trưởng và việc làm thông qua sự đổi mới và kết nối xã hội.

Châu Âu lâu nay vẫn đóng vai trò như một nhà cải cách và sáng tạo với một chính sách về khí hậu và năng lượng hướng đến tương lai. Nhưng sau vụ tấn công khủng bố tại Paris và cuộc khủng hoảng người tị nạn, áp lực đè nặng lên các nước EU, trong một tình trạng mà Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho rằng, "Chúng tôi cần đóng vai trò quan trọng hơn trong 6 tháng tới để giữ vững EU", ông nói.

Những năm gần đây, làn sóng phản đối EU phát triển ở Hà Lan cũng như ở các nước khác trong liên minh này, tạo thách thức lớn cho 28 quốc gia thành viên. Trong khi vấn đề "Grexit" (nguy cơ Hy Lạp rời khỏi EU), được giải quyết với chi phí rất lớn, mối lo "Brexit" (nguy cơ Anh rời khỏi EU) cũng đang lờ mờ trên đường chân trời.

Trong khi đó, các lục địa Châu Âu cho thấy sự gia tăng dân số già và thiếu cân đối. Tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong thanh niên và trong số những người ở độ tuổi hơn 50. Nền kinh tế đang dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng sự phát triển vẫn còn không cân bằng. Những vấn đề mà EU đối mặt là rất lớn trong khi tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia thành viên là rất thấp và đã được chứng minh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn. Kết nối các quốc gia sẽ là vấn đề quan trọng  đối với Chủ tịch EC Hà Lan.

Theo Hà Lan, EU phải đoàn kết các công dân để họ có thể đi cùng các quyết định quan trọng của liên minh này. Quốc gia chủ tịch lần này cũng nhằm mục đích là một nhà trung gian đáng tin cậy và hiệu quả, rèn dũa thỏa hiệp giữa 28 quốc gia thành viên, Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Hà Lan tin rằng, EU phải tập trung vào các vấn đề mà sẽ giúp cho liên minh mạnh hơn, chẳng hạn như sự thịnh vượng, tự do và an ninh.       

Hà Lan luôn đi đầu trong nỗ lực thống nhất Châu Âu trong một thời gian dài, hướng tới một Liên bang Châu Âu. Quốc gia này là một trong những bên sáng lập "người tiền nhiệm" của EU - Cộng đồng Than và Thép Châu Âu năm 1952. Đây là lần thứ 12 trong lịch sử, Hà Lan giữ chức Chủ tịch EC, trong đó lần cuối cùng là vào năm 2004. Vì vậy, nhiều người đặt niềm tin Amsterdam có thể chèo lái con thuyền EU vượt qua sóng to gió lớn.

Thanh Văn