Báo Công An Đà Nẵng

Thời gian ở lại

Thứ năm, 17/02/2022 17:46

Cháu gái 8 tuổi về nhà, việc đầu tiên là vào phòng mẹ, đó là căn phòng ngày xưa khi mẹ nó còn ở nhà đi học, ở đó. Căn phòng vẫn để trống, và những gì "hồi xửa hồi xưa" khi cô con gái út còn đi học, vẫn lưu giữ. Trong đó có tủ sách thiếu nhi đến nay đã 30 năm tuổi. Cháu gái lục tìm những cuốn truyện tranh, trong đó có truyện Doremon, ấn bản đầu tiên in trắng đen mua bản quyền của Nhật, đọc say sưa. Đọc xong để lại chỗ cũ, không mang đi vì sợ thất lạc.

Cuốn truyện đã tuổi 30.

Vào cái thời 30 năm trước đó, tiệm sách ở Nha Trang còn nhiều, các sạp báo bán báo còn nhiều, và có rất nhiều đầu báo. Có thể vào thời điểm đó Internet chưa thịnh hành, chưa có facebook (Facebook ra đời ở Việt Nam ngày 26-9-2006) và nhu cầu đọc truyện thiếu nhi, truyện tranh là có thật.

Đó là tiệm sách Tuyết Nga trên đường Ngô Gia Tự (nay đã thành tiệm vàng). Tiệm sách bán các cuốn truyện thiếu nhi phát hành hàng tuần, có cả báo Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Hoa Học Trò… Khi ấy Doremon xuất bản định kỳ, sau đó là các cuốn truyện tranh như Lucky Luck đến tủ sách Kính Vạn Hoa in những cuốn truyện của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một số truyện nước ngoài như Tứ quái TTKG. Khi đó vào năm 1991-1993, giá mỗi cuốn sách chỉ 3.000 đồng, mỗi cuốn báo cũng giá đó và ra rất đúng ngày. Nhà có hai đứa con gái nhỏ, hàng tuần tôi cứ mua Doremon và các truyện khác cho đủ bộ, sau đó đóng thành tập và lưu giữ. Hai đứa con gái cứ lớn lên theo thời gian, lúc đầu mua báo Nhi Đồng cho con đọc, tiến lần đến báo Khăn Quàng Đỏ và sau đó là Mực Tím  và Hoa Học Trò. Tất cả những tờ báo vẫn đóng tập và lưu giữ đến bây giờ.

Căn phòng ấy đóng cửa suốt năm, chỉ mở cửa vào dịp Tết hoặc hè khi con cái về. Ngoài giá sách bên ngoài, giá sách với những cuốn truyện và tạp chí cứ "già" đi theo thời gian.  Những ngày đó, trẻ em rất mê đọc truyện tranh, và cả những tờ báo dành cho tuổi nhỏ, tuổi mới lớn nội dung cũng khác hẳn hơn bây giờ. Tờ Nhi Đồng hoặc Khăn Quàng Đỏ luôn có truyện tranh một kỳ và truyện tranh dài kỳ, ngay bìa bốn thường là một truyện rất ngắn. Tờ Mực Tím hay Hoa Học Trò cũng vậy, truyện ngắn và thơ chủ đạo, khác với bây giờ theo xu hướng mới, hình ảnh ca sĩ, các gu thời trang. Những ngày đó, vì mỗi buổi sáng tôi đều ghé sạp báo để mua báo, nên luôn mua sớm các tập truyện tranh cho con, mua cả các tờ tạp chí.

Cô cháu nhỏ về nhà, lật từng trang truyện giấy đã ngả vàng, hình ảnh trắng đen, đọc say mê. Đọc xong, lấy tờ giấy nhỏ làm dấu chỗ còn dang dở, xếp ngay ngắn vào trong giá sách, nói: "Khi nào về con lại đọc tiếp".

Lý do nó không đem đi vì nó sợ sẽ giữ không được những cuốn sách bìa đã cũ và giấy bên trong đã bắt đầu ngả vàng. Đó không chỉ là những cuốn sách hoặc tạp chí, mà là hình ảnh của mẹ cháu ngày bằng tuổi cháu, khi có sách về, đọc say mê, đọc ngay cả khi ăn cơm, đọc xong rồi vài bữa đọc lại.

Bây giờ ở thành phố các sạp báo vắng lần, muốn đi mua tờ báo đúng theo ý mình phải đặt qua bưu điện, còn những cuốn truyện tranh đa phần bán ở các nhà sách, mà quầy bán sách lại nằm một góc nhỏ chen giữa các quầy văn hóa phẩm. Lật những cuốn truyện đã 30 năm, những tờ báo cũng đã ba mươi năm, là hình ảnh hai đứa con gái ngày còn nhỏ đợi ba về, lấy cuốn truyện hay tờ báo mà đọc.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG