Báo Công An Đà Nẵng

“Thời gian vàng” cứu người bị bệnh đột quỵ

Thứ tư, 06/01/2016 10:46

(Cadn.com.vn) - Ở Việt Nam, đột quỵ não (ĐQN) là nguyên nhân tử vong cao nhất, vượt qua cả bệnh ung thư và bệnh lý tim mạch. Mỗi năm cả nước có khoảng 200.000 trường hợp bị ĐQN, trong đó 110.000 người tử vong. Để cứu chữa cho người bị ĐQN thì bệnh nhân (BN) phải kịp thời đưa đến cơ sở y tế cấp cứu - “thời gian vàng” - tốt nhất là không quá 3 giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, P.V đã có cuộc trao đổi với TS.BS Tôn Thất Trí Dũng, Phó Trưởng Khoa nội, phụ trách đơn vị đột quỵ của Trung tâm điều trị theo yêu cầu quốc tế - BVT.Ư Huế.

BS Tôn Thất Trí Dũng trò chuyện với BN Nguyễn Văn Lạc (63 tuổi) đã hồi phục phần liệt nửa người do đột quỵ nhờ đưa đến BV sớm.

P.V: Xin BS cho biết về tình trạng bệnh đột quỵ hiện nay?

BS Tôn Thất Trí Dũng:  Nếu trước đây bệnh đột quỵ thường xảy ra ở người già thì thời gian gần đây, bệnh này đang trẻ hóa. Chỉ cách đây vài hôm, tôi cũng vừa điều trị cho một ca nữ 28 tuổi, trước đó cũng có một số bệnh 38 tuổi, 40 tuổi... cũng mắc bệnh này. Nói bệnh đột quỵ đang trẻ hóa là do ảnh hưởng bởi thực phẩm, thức ăn hàng ngày, kém vận động (tập trung nhóm người làm việc văn phòng rối loạn chuyển hóa ngày càng gia tăng). Ngoài ra, bệnh ĐQN thường xảy ra ở người đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ, béo phì, đặc biệt là người hút nhiều thuốc lá và uống nhiều rượu bia, sử dụng chất ma túy... rất dễ vỡ phình mạch máu não. ĐQN có hai loại: nhồi máu não do tắc mạch máu nuôi não (chiếm đến 80%) và xuất huyết não do vỡ mạch máu não (chiếm 20%).

P.V: Những dấu hiệu nào để nhận biết triệu chứng của BĐQ và làm gì khi người thân có dấu hiệu mắc bệnh, thưa BS?

BS Tôn Thất Trí Dũng: Những triệu chứng của bệnh đột quỵ như: người đột ngột bị tê hay yếu liệt ở mặt, khuôn mặt mất cân đối; người đột ngột yếu hay tê liệt ở tay, chân; đột ngột không nói được, giọng nói thay đổi. Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng khác: đột ngột mất thị lực, nhức đầu dữ dội. Khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ thì người nhà nên đỡ BN để họ không bị té ngã. Nếu BN còn tỉnh cần để nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu để đưa đến BV chuyên khoa gần nhất. Nếu trường hợp BN hôn mê, cần xem BN còn thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngừng thở. Nếu ngừng thở thì cần hô hấp nhân tạo vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và não.

P.V: Người bệnh nếu đưa đến BV muộn thì sẽ như thế nào, thưa BS?

BS Tôn Thất Trí Dũng: Thời gian qua, khoảng 90% người bị ĐQN đến điều trị khi đã quá “thời gian vàng” (được tính là quá 3 giờ khi mắc bệnh). Đến BV điều trị quá muộn, BN rất dễ tử vong hoặc bị các di chứng như: liệt vận động, sống cuộc sống thực vật... BN đưa đến BV càng nhanh càng tốt vì trong điều trị ĐQN, “thời gian là não - time is brain”, nghĩa là BN càng được điều trị sớm thì càng có nhiều tế bào não được cứu sống. Bởi một phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào não của BN đột quỵ bị chết. Người thân của BN phải đặc biệt chú ý “thời gian vàng” là 3 giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ phải đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Một điều sai lầm mà tôi vừa thấy có thông tin đăng trên các trang mạng rằng, khi người nhà thấy BN có các triệu chứng như trên cứ nhầm tưởng bị trúng gió nên để ở nhà bấm huyệt, châm cứu, đánh gió, tự ý cho uống thuốc hạ huyết áp hay tự ý sử dụng thuốc... dẫn đến BN chết một cách oan uổng.

P.V: Xin BS cho biết, BN đột quỵ khi được đưa đến BV sẽ được điều trị như thế nào và cách phòng bệnh?

BS Tôn Thất Trí Dũng:   Tại BVT.Ư Huế, trước hết, BN sẽ được kiểm tra trước khi đưa ra phương pháp điều trị thích hợp bằng máy chụp DSA (máy chụp mạch máu xóa nền) là phương tiện chụp mạch máu não hiện đại nhất Việt Nam đã được đưa vào sử dụng để phát hiện những bất thường về mạch máu não. Với phương tiện và phương pháp hiện đại, thời gian qua nhiều BN ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã được can thiệp và điều trị kịp thời, hạn chế được nhiều di chứng cho BN như: liệt, suy giảm nhận thức, tử vong... Với máy chụp mạch máu xóa nền còn giúp phát hiện nhiều bất thường ở mạch máu não của BN, phòng ngừa cơn đột quỵ. Sau khi được gây mê, với một đầu dò, BN sẽ được kiểm tra bằng máy DSA với ưu điểm là ghi hình mạch máu, tái tạo mạch máu 3D, khảo sát khu vực tổn thương. Từ những hình ảnh 3D về hệ thống mạch máu não, đặc biệt là khu vực tổn thương, các BS sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho BN này để phòng ngừa tái phát đột quỵ về sau. Sau khi điều trị, có trường hợp phục hồi sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày và có trường hợp nặng thì thời gian phục hồi lâu hơn.

Cách tốt nhất hạn chế bệnh đột quỵ là mỗi người phải kiểm soát sức khỏe bằng chế độ ăn uống hợp lý (giảm chất béo, tăng rau xanh, trái cây), hạn chế rượu bia, thuốc lá; tích cực tập thể dục. Nếu có bệnh lý liên quan đến cao huyết áp hay đái tháo đường phải kiểm soát điều trị.

P.V: Xin cảm ơn BS về cuộc trao đổi!

H. Lan
(thực hiện)