Báo Công An Đà Nẵng

Thời hạn chót cho vấn đề Ukraine

Thứ ba, 10/02/2015 08:14

(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo của Ukraine, Đức và Pháp đang thúc đẩy dàn xếp một Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày mai (11-2) trong nỗ lực tối đa ngăn chặn leo thang đổ máu ở miền đông Ukraine.

Giới phân tích cho rằng, 11-2 này chính là thời hạn chót cho vấn đề miền đông mà Đức đưa ra để Nga phải nhất trí về kế hoạch hòa bình hoặc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới.

Tuy nhiên, Điện Kremlin tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không chấp nhận bất cứ tối hậu thư nào về Ukraine. Bản thân ông chủ Điện Kremlin cũng cảnh báo, kế hoạch Hội nghị Thượng đỉnh, diễn ra ở thủ đô Minsk của Belarus, sẽ chỉ diễn ra nếu các nhà lãnh đạo nhất trí về “một số điểm”. “Chúng tôi đang nhắm vào ngày 11-2 tới, tại thời điểm đó chúng tôi nỗ lực để thống nhất một số điểm mà chúng tôi đã thảo luận mạnh mẽ gần đây”, ông Putin nói với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong bài phát biểu trên truyền hình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa), Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải)
và Thủ tướng Đức Angela Merkel hội đàm tại Điện Kremlin hôm 6-2. Ảnh: AP

Tổng thống Nga cũng tuyên bố, trước tiên Kiev phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại miền đông và ngừng gây sức ép kinh tế lên những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát nếu không chính quyền Ukraine sẽ trượt dài trên “con đường không lối thoát đầy tai họa”. “Điều kiện quan trọng nhất để bình ổn tình hình đó là lập tức ngừng bắn và chấm dứt cái gọi là chiến dịch “chống khủng bố”, mà trên thực tế là trừng phạt, tại miền đông nam Ukraine”, ông Putin nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong những ngày gần đây đẩy mạnh nỗ lực cho hòa bình Ukraine. Trong ngày 9-2, bà Merkel bay đến Washington để thảo luận về một sáng kiến hòa bình của Châu Âu do Tổng thống Barack Obama làm trung gian. Đây là “trận lượt đi” mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy ngoại giao dồn dập để ngăn chặn các cuộc xung đột leo thang khi Nhà Trắng đang tính toán cung cấp vũ khí cho Kiev.

21 TỶ EUR

là số tiền (23,7 tỷ USD) mà Liên minh Châu Âu (EU) bị thiệt hại do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo ngày 9-2 cho biết. Đây là lần đầu tiên EU đưa ra con số thống kê về vấn đề này.

T.L

Những nỗ lực đi tìm một giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần 1 năm qua, diễn ra trong bối cảnh Kiev ngày 9-2 cáo buộc, ít nhất 1.500 binh lính và các đoàn xe chở vũ khí quân dụng hạng nặng của Nga cuối tuần qua đã vào lãnh thổ Ukraine. “1.500 binh sĩ Nga cùng 300 đơn vị khí tài quân sự, trong đó có các hệ thống tên lửa Grad, vượt qua biên giới Ukraine-Nga hôm 7 và 8-2”, người phát ngôn quân đội Ukraine Andrily Lysensko khẳng định. Ngoài ra, khoảng 170 phương tiện, trong đó có xe tải, xe bồn chở nhiên liệu và xe hơi, cũng vượt qua biên giới.

Ukraine và phương Tây lâu nay vẫn cáo buộc Moscow cung cấp binh sĩ và trang thiết bị cho phe nổi dậy ủng hộ Nga đang chiến đấu với quân đội của Kiev ở miền đông nước này, song Điện Kremlin phủ nhận điều này. Chính giáo sư người Mỹ Stephen Cohen cho rằng, các chuyên gia phân tích phương Tây cần ngừng bôi nhọ Tổng thống Putin và tỉnh táo nhìn nhận mọi thứ. Bởi theo ông, những lời lẽ bôi nhọ Tổng thống Nga là hoàn toàn trái ngược với thực tế và khiến người ta sao nhãng về những điều đáng lẽ cần được hiểu rõ.

Một thỏa thuận hòa bình được nhất trí ở Minsk trong tháng 9 đã bị lu mờ khi cuộc chiến leo thang trong những tuần gần đây. Và giờ đây, Ukraine đang rất cần một thỏa thuận mới có sức mạnh hơn.

Khả Anh