Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Thời hạn xét xử vụ án kinh tế

Thứ hai, 10/08/2015 08:09

(Cadn.com.vn) - Thời gian vừa qua, Báo Công an TP Đà Nẵng có nhận nhiều thư của bạn đọc hỏi về thời hạn giải quyết vụ án (VA) kinh tế của tòa án cấp sơ thẩm, thắc mắc về chuyện tòa án thụ lý giải quyết VA quá lâu. Kỳ này, Báo Công an TP Đà Nẵng trích đăng ý kiến trả lời của Thạc sỹ- Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, về thời hạn giải quyết VA kinh tế ở cấp sơ thẩm và việc đương sự cần làm khi vụ án chậm được đưa ra xét xử như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 và Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tranh chấp về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xây dựng, vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm…  là 2 tháng kể từ ngày thụ lý VA. Đối với VA có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 1 tháng. Và theo quy định tại Khoản 2 Điều 179 thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tòa án có thể ra một trong các quyết định sau đây: công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; tạm đình chỉ giải quyết VA; đình chỉ giải quyết VA; đưa VA ra xét xử. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa VA ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng. Như vậy, theo quy định của pháp luật, thời hạn tối đa để tòa án giải quyết VA tranh chấp kinh tế về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xây dựng, vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm… là 5 tháng kể từ ngày tòa thụ lý VA. Trong trường hợp VA được giải quyết chậm hơn so với quy định của pháp luật, đương sự có thể gửi đơn khiếu nại đến chánh án tòa án (nơi đang thụ lý VA) về việc thẩm phán chậm đưa VA ra xét xử để chánh án xem xét, giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền gửi đơn khiếu nại đến cấp trên trực tiếp.

Chương trình này có sự hợp tác về chuyên môn

của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Gọi 1900 599 907 để được tư vấn pháp luật