Thôi quốc tịch Việt Nam cho con mà không cần sự đồng ý của người mẹ, có được không?
*Luật sư Phan Thụy Khanh – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời: Hôn nhân đa quốc tịch mang lại những trải nghiệm văn hóa đa dạng nhưng khi ly hôn thì cũng đặt ra nhiều vấn đề về pháp lý, trong đó có câu chuyện quốc tịch của con chung. Do mâu thuẫn khi ly hôn, nhiều trường hợp người được quyền nuôi con có tâm lý muốn đứa trẻ thôi hẳn quốc tịch của cha/mẹ để toàn quyền nuôi dạy con theo quốc tịch của mình. Xét về khía cạnh tình cảm, điều này có nên không, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích mà còn cả tâm lý, tình cảm của đứa trẻ. Về phương diện pháp lý, vấn đề này được quy định như thế nào?
Thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam
Khoản 1 Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam như sau:
“1. Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam bao gồm:
a) Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam;
b) Bản khai lý lịch;
c) Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 của Luật này;
d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
đ) Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này;
e) Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;
g) Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
2. Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú ở trong nước thì không phải nộp các giấy tờ quy định tại các điểm d, e và g khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định cụ thể các giấy tờ trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam.”
Khoản 3 Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về miễn thủ tục xác minh về nhân thân như sau:
“Miễn thủ tục xác minh về nhân thân
Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của những người thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải qua thủ tục xác minh về nhân thân:
1. Người dưới 14 tuổi;
2. Người sinh ra và định cư ở nước ngoài;
3. Người đã định cư ở nước ngoài từ 10 năm trở lên;
4. Người đã được xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình.”
Theo thông tin anh X. cung cấp, con chung của anh và chị L. là cháu N., 4 tuổi. Căn cứ quy định nêu trên, hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam cho cháu N. sẽ được lập thành 3 bộ, bao gồm các giấy tờ sau:
1 đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam theo mẫu TP/QT-2020-ĐXTQT.2 (cha và mẹ đều phải ký vào đơn, trường hợp con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì con cũng phải ký vào đơn cùng với cha mẹ);
1 thỏa thuận xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên (cả cha và mẹ đều phải ký vào thỏa thuận);
1 bản khai lý lịch theo mẫu số TP/QT-2020-BKLL (có dán ảnh chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất);
Bản sao hộ chiếu Việt Nam, giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc giấy tờ khác chứng minh quốc tịch Việt Nam có công chứng, hợp pháp hóa hoặc gửi bản chính đến cơ quan thẩm quyền để xác nhận chứng thực. Sau khi được thôi quốc tịch Việt Nam, phải nộp lại hộ chiếu Việt Nam để hủy giá trị sử dụng (đối với người dưới 18 tuổi, bản sao hộ chiếu cần gửi kèm bản sao hộ chiếu của trang số 2 và trang số 3 của người giám hộ);
1 bản sao giấy khai sinh;
Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này. Đây là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận hoặc bảo đảm cho người đó được nhập quốc tịch nước ngoài; trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam đã có quốc tịch nước ngoài thì nộp bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp để chứng minh người đó đang có quốc tịch nước ngoài.
Anh X. có thể thực hiện việc thôi quốc tịch cho con mà không cần sự đồng ý của người mẹ không?
Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân:
“Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân
“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
...”
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ:
“Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ.
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.”
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Từ các quy định trên thấy rằng, xét ở góc độ pháp lý, cha, mẹ đều là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên. Điều này có nghĩa cha, mẹ đều có quyền và trách nhiệm ngang nhau trong việc đại điện cho con trong các vấn đề pháp lý, bao gồm việc xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền lợi của con, mọi quyết định quan trọng liên quan đến con đều phải có sự đồng ý của cả hai người.
Theo thông tin anh X. cung cấp, vợ chồng anh có con chung 4 tuổi và anh muốn cho con thôi quốc tịch Việt Nam mà không cần hỏi ý kiến của mẹ. Như đã phân tích, con của anh chưa thành niên nên cả cha và mẹ đều là đại diện theo pháp luật của con. Chính vì vậy, cha và mẹ đều có quyền, trách nhiệm ngang nhau trong việc đại diện cho con trong vấn đề xin thôi quốc tịch Việt Nam. Anh không được thực hiện việc thôi quốc tịch Việt Nam cho con mà không có sự đồng ý của người mẹ.
Ngoài ra, anh X. cần cân nhắc, việc thôi quốc tịch là một quyết định quan trọng và có thể gây ra những hậu quả sâu xa không chỉ đối với quyền lợi trong hiện tại, tương lai mà còn cả tinh thần của trẻ em, đặc biệt là những trẻ chưa thành niên. Khi thôi quốc tịch Việt Nam, trẻ em sẽ mất đi những quyền lợi cơ bản mà công dân Việt Nam được hưởng như quyền lợi trong lĩnh vực giáo dục, y tế, quyền sử dụng và sở hữu bất động sản và các dịch vụ xã hội khác. Đặc biệt, việc thôi quốc tịch có thể làm cho trẻ cảm thấy mất mát và lạc lõng về mặt tinh thần, mất sự kết nối với quê hương bên mẹ hoặc cha. Khi mất đi một phần kết nối với quốc gia và môi trường mà trẻ từng gắn bó và cảm thấy thân thuộc, trẻ còn có thể gặp khó khăn trong quá trình hòa nhập và giao tiếp xã hội với cộng đồng mới. Những điều này có thể gây hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, tương lai của trẻ.
Chính vì vậy, cha, mẹ cần thỏa thuận, cân nhắc và xem xét kỹ càng trước khi đưa ra quyết định thôi quốc tịch Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ, đảm bảo sự phát triển tâm sinh lý, tình cảm bình thường và tương lai cho trẻ.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425