"Thôi ta còn bạn bè" và lời hứa với thầy
(Cadn.com.vn) - Cuốn sách "Thôi ta còn bạn bè" do NXB Hội nhà văn ấn hành gồm 49 bài như 49 "bức tranh chân dung" bạn bè của nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. "Thôi ta còn bạn bè" là một câu trong bài "Tình xa" của Trịnh Công Sơn và đây cũng là tên một bài viết của Nguyễn Thụy Kha về nhạc sĩ tài hoa này, được rút ra làm nhan đề chung cho cả tập sách. "Thôi ta còn bạn bè" dựng lại chân dung 49 người bạn của ông: nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Phạm Duy, nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn...
Bởi tất cả đều là bạn cũ nên bảng lảng trên khuôn mặt họ luôn có một lớp sương khói kỷ niệm, một lớp men màu thời gian và một tiếng vọng của tình xa. Cũng bởi tất cả đều là bạn cũ nên 49 bức chân dung ấy không vẽ theo kiểu trực họa mà đều được vẽ bằng trí nhớ với những hồi ức, hoài niệm... "Tháng Tư này, Trịnh Công Sơn đã rời xa dương thế 14 năm; nhưng hình như tôi và những người yêu quý anh, yêu quý nhạc Trịnh vẫn có cảm giác anh vẫn đang tồn tại trên cõi đời, đang ở đâu đó nhâm nhi một ly Chivas pha soda với điếu thuốc tỏa khói trên tay; và mỉm cười - một nụ cười thầm kín", Nguyễn Thụy Kha viết về Trịnh Công Sơn. Ẩn hiện sau 49 bức chân dung bạn bè ấy, độc giả còn nhận thấy ở tập sách của Nguyễn Thụy Kha một chân dung khác - chân dung của chính tác giả: một con người đi nhiều, chơi nhiều, quảng giao, nhiệt thành, sâu sắc và kỹ tính trong từng câu chữ..."Với việc khắc họa chân dung ấy, tôi đã thực hiện được lời hứa với thầy tôi - cố nhạc sĩ Văn Cao", tác giả chia sẻ. Miên man trong dòng hồi ức, nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể, khi còn trẻ, ông ấp ủ ước mong sáng tác được nhiều ca khúc để vượt lên những người bạn của mình (nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Trọng Tạo...) trong một cuộc "chạy đua" mải miết. "Thế nhưng, lúc sinh thời, có một ngày, nhạc sĩ Văn Cao bảo tôi nên dừng lại; thay vì sáng tác ca khúc, hãy viết về chân dung những người làm văn nghệ. Thầy tôi nói, Việt Nam có nhiều người làm nhạc rồi nhưng chưa có nhiều người dựng lại chân dung của họ, để công chúng không chỉ được tiếp cận tác phẩm mà còn có những hình dung cụ thể về tác giả," nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhớ lại.
Bởi thế, ở cuốn sách này, Nguyễn Thụy Kha đã dựng lại chân dung những người bạn văn nghệ của mình một cách tối giản với những câu chuyện cụ thể, gần gũi với độc giả. Cứ như vậy, chân dung nhạc sĩ Trần Tiến hiện ra không chỉ với hình ảnh một "lãng tử du ca" mà còn là một người chồng "nể vợ" và thích vào bếp, nấu phở. Chân dung tác giả ca khúc "Màu hoa đỏ" được hình dung với vẻ "bình dị mà đa cảm, lặng lẽ mà tầm vóc. Dù là một nhạc sĩ nổi tiếng cả nước thì trong ông vẫn trắc ẩn một tâm hồn người lính. Ở góc âm thanh nào, dù là tình ca trẻ trung, ta vẫn nhận ra một sự mộc mạc, chân thành của người lính mà có người đã để rơi mất trên dặm dài mưu sinh".
An Ngọc