Thời tiết Tết Nguyên đán 2025 trên cả nước như thế nào?
Theo nhận định, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, khả năng xảy ra xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông là rất thấp. Trước tết, từ ngày 17 đến 25-1 (tức 18 đến 26 tháng Chạp), miền Bắc có sương mù nhẹ vào buổi sáng, ban ngày nắng, trời rét. Khu vực Trung bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nhiều mây, hầu như không có mưa, thời tiết rét.
Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận trời không mưa, ban ngày nắng nhẹ, đêm và sáng trời lạnh. Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ chủ yếu nhiều mây vào đêm và sáng sớm, có sương mù nhẹ, ban ngày nắng, không xảy ra nắng nóng.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, trong những ngày chính cận và chính tết (từ ngày 27 đến 31-1, tức từ 28 tháng Chạp đến mùng 3 tết), miền Bắc sẽ chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, trời rét, vùng núi có thể xảy ra rét đậm. Riêng khu vực Đông Bắc bộ có thể có mưa nhỏ, mưa phùn.
Bắc Trung bộ trời rét với mưa nhỏ vài nơi, trong khi khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có mưa rào rải rác, tập trung trước ngày 28-1 (29 tháng Chạp). Tây Nguyên và Nam bộ nhìn chung trời nắng, ít mưa, không xuất hiện nắng nóng.
Cơ quan khí tượng của Việt Nam cũng dự báo, từ ngày 30-1 đến 2-2 (tức mùng 2 tết đến mùng 5 tháng Giêng), khu vực ven biển Đông Nam bộ sẽ chịu tác động của triều cường. Đỉnh triều dự báo cao nhất có thể đạt 4,1m gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực ven biển và cửa sông.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, bổ sung thông tin, năm 2025, do ảnh hưởng của các hiện tượng như La Nina, khả năng xảy ra mưa trái mùa trong những tháng đầu năm sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên và Trung bộ có thể xuất hiện mưa sớm hơn thông thường.
Theo SGGP