Báo Công An Đà Nẵng

Thổn thức “những tình khúc không tên”

Thứ ba, 17/06/2014 10:09

(Cadn.com.vn) - “Không tên” là những tình khúc nổi tiếng của Vũ Thành An. Cũng chừng đó ca từ, ngần ấy giai điệu, sao mỗi lần nghe lại, chúng ta vẫn cảm thấy xao xuyến, bồi hồi. Những rung cảm năm nào lại trở về, đầy ắp trong những lời thì thầm. Và hôm nay, một lần nữa, công chúng lại hân hoan đón chào 10 tình khúc “Không tên” khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vừa cho phép Phương Nam phim độc quyền khai thác 21 sáng tác của ông.

 

GIAI ĐIỆU CỦA TÌNH YÊU

Tình ca Vũ Thành An chứa đầy niềm u uất, bẽ bàng của một tình yêu vừa chớm đã vội tan. Âm nhạc của ông sâu đậm, đầy tính nhân văn. Ai đã từng cô đơn, bất hạnh mỗi khi nghe lại những điều ông viết mới thấy hết được sự vỗ về và nhân ái của một kiếp người. Dường như trong nghiệt ngã của định mệnh, Vũ Thành An luôn chắt chiu trong âm nhạc những hạnh phúc có được từ thế giới huyễn hoặc và đầy cạm bẫy:

...Triệu người quen, có mấy người thân

Khi lìa trần có mấy người đưa

...”.

                            (Không tên số 4)

Lâu lắm  rồi, dễ chừng gần một nửa thế kỷ, những ca khúc nổi tiếng ngày ấy vẫn còn nguyên những óng chuốt, mềm mại và ngọt ngào. Ai chẳng từng yêu, từng xót xa, lo âu mới “thấm” được những ca từ lắng đọng đó. Âm nhạc Vũ Thành An là một kết hợp của giai điệu nhẹ nhàng, lả lướt với ca từ như quyện vào tâm hồn người nghe. Những diễn tả đau thương, trách cứ, giận hờn theo từng cung bậc ập vào tâm khảm đến rã rời, ray rứt:

...Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều

Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng

Chỉ còn mối tình mang theo...”.

                            (Không tên số 2)

Những tình khúc này sẽ có mặt trong 2 CD “Tình khúc Vũ Thành An” do Phương Nam sản xuất vào tháng 9-2014. Đặc biệt, nữ ca sĩ Lệ Quyên đã nhận lời thu âm những bài hát cho Phương Nam phim. Đối với Lệ Quyên, có lẽ đây là ngoại lệ bởi lâu nay, cô thường tự sản xuất album chứ không thu âm cho các hãng. Cô cũng nhận mức cát sê đặc biệt, trong đó, một phần sẽ đóng góp cho quỹ từ thiện Teresa Charities (do chính nhạc sĩ Vũ Thành An khởi xướng nhằm giúp những người già neo đơn, thiếu nơi nương tựa). Có thể nói, 21 ca khúc của Vũ Thành An được cấp phép lưu hành là một “kỳ công” của Phương Nam phim và tác giả. Sự trở lại lần này gồm có 10 bài không tên từ 1-10, bài không tên số 40 (Đời đá vàng), Bài không tên số 15, 37, 13, Lời tình buồn (thơ Chu Trầm Nguyên Minh),... Và điều này quá xứng đáng bởi những giá trị vượt thời gian của tác phẩm mà tác giả đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam cùng với sự chờ đợi của công chúng gần 40 năm qua.

Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954, ông theo gia đình vào Sài Gòn. Vũ Thành An theo học âm nhạc trong lớp học của nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên và Đức Huy. Năm 1965, Vũ Thành An bắt đầu nổi tiếng qua ca khúc “Tình khúc thứ nhất”-đứa con tinh thần của mối lương duyên âm nhạc, văn chương  giữa nhạc sĩ  và nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Nhiều người từng khắc khoải, chạnh lòng khi nghe lại những giai điệu đầy nước mắt:

... Thần tiên gãy cánh đêm xuân

Bước lạc sa xuống trần

Thành tình nhân đứng giữa trời không

Khóc mộng thiên đường

Ngày về quê xa lắc lê thê

Trót nghe theo lời u mê...”

                    (Tình khúc thứ nhất- Phổ thơ Nguyễn Đình Toàn)

TÌNH CA KHÔNG TÊN

Sau thành công vang dội của “Tình khúc thứ nhất”, Vũ Thành An viết liền một mạch các bài không tên. Tất cả đều mang tâm trạng buồn bã, tiếc nuối và day dứt của một cuộc tình không trọn vẹn. Đó là năm 1965, lúc làm biên tập viên cho Đài phát thanh Sài Gòn với Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thành An sáng tác những bản tình ca không tên số 1, 2, 3 và 4 cho cuộc tình đầu không thành. Và “Bài không tên cuối cùng” là một cuộc chia ly đầy nước mắt:

Này em hỡi...

Con đường em đi đó

Con đường em theo đó

Sẽ đưa em sang đâu?

Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ...

Những khi mình mặn nồng...”.

                (Không tên cuối cùng)

Những nhạc phẩm không tên được ái mộ bởi đó là tâm trạng chung của nhiều thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Sau nhạc phẩm “Không tên cuối cùng”, Vũ Thành An trở lại viết những bài không tên số 5, 6, 7... nhưng không theo một thứ tự thời gian nào cả. Riêng bài “Không tên số 5”, ông  dành tặng người vợ đầu tiên. Có người đặt câu hỏi, “Không tên cuối cùng” nghĩa là hết, tại sao Vũ Thành An lại tiếp tục cho ra đời các bài không tên khác ? Ông trả lời, ca khúc ấy là kỷ niệm cuối của một cuộc tình. Ngoài mối tình ấy Vũ Thành An còn có những mối liên hệ khác. Và để giải thích cho cho tên gọi “Không tên”, Vũ Thành An cho biết, ông muốn tạo sự chú ý của thính giả và cũng muốn giấu tên những người bạn liên quan đến những bài hát đó.

Sự lý giải ấy, đôi khi đồng nghĩa với việc muốn cất đi những điều thầm kín, những điều ông không muốn hoặc sợ người khác chạm vào. Năm 1969, Vũ Thành An quyết định chấm dứt cuộc đời độc thân, kết thúc những đoạn tình buồn bằng cách lập gia đình và cho phát hành tuyển tập những bài không tên. Các nhạc phẩm được thể hiện qua giọng ca ngọt ngào của nữ ca sĩ Thanh Lan trên sóng phát thanh và đặc biệt là phong trào du ca Sài Gòn tại hội quán Văn. Cuộc hội ngộ âm nhạc đó đã được quần chúng đón nhận nồng hậu, nghiễm nhiên trở thành một sắc thái riêng biệt của “Nhạc tình Vũ Thành An”, một dấu ấn lãng mạn, một dấu son cho sự nghiệp cống hiến trên bầu trời tân nhạc Việt Nam của ông.

 Ngày hôm nay không còn giống như ngày hôm qua. Vũ Thành An của những ca khúc “Không tên” chắc đã thay đổi sau gần 50 năm trải qua nhiều biến động? Cho dù thế nào đi nữa, âm nhạc của ông vẫn còn đó, chôn giấu và thổn thức:

... Về đâu tâm hồn này bềnh bồng

Về đâu thân này mòn mỏi không

Về sau và nhiều năm sau nữa

Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay” .

                            (Không tên số 8)

Văn Khoa