Báo Công An Đà Nẵng

Thông điệp đoàn kết cho lễ kỷ niệm 20 năm sự kiện 11-9

Thứ hai, 13/09/2021 12:39

Bài học lớn nhất sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 là giá trị của sự đoàn kết dân tộc, Tổng thống Joe Biden nói như vậy khi nước Mỹ đánh dấu kỷ niệm 20 năm vụ tấn công chết chóc nhất trong lịch sử vào ngày 11-9 (giờ địa phương).

Từ trái qua - Vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Tổng thống Barack Obama, và vợ chồng Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cùng các chính trị gia Mỹ tham dự lễ tưởng niệm ở New York.   Ảnh: Reuters

"Chúng ta học được rằng đoàn kết là điều không bao giờ được phá vỡ. Đoàn kết là điều tạo nên con người của chúng ta", ông Biden tiếp tục nhấn mạnh thông điệp đoàn kết trong video gửi đến toàn dân và khẳng định thêm: "Đó là bài học trọng tâm… những lúc chúng ta dễ bị tổn thương nhất… đoàn kết là sức mạnh lớn nhất của chúng ta". 

Ba đời Tổng thống cùng dự lễ tưởng niệm

Các buổi lễ tưởng niệm được tổ chức tại những nơi bị tấn công khủng bố: New York, Arlington ở Virginia và Shanksville ở Pennsylvania đánh dấu 20 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố giết chết 2.977 người của 90 quốc gia.

Theo AP, Tổng thống Biden và phu nhân đã đến thăm cả 3 địa điểm trên. Tổng thống Biden và phu nhân cùng vợ chồng các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, và hàng trăm người khác đã tham dự buổi lễ tưởng niệm tại Đài Tưởng niệm 11-9 ở khu Hạ Manhattan, New York. "Dù thời gian có trôi qua bao lâu, những lễ tưởng niệm như thế này khiến cảm xúc đau buồn dội lại như thể quý vị vừa nghe thấy tin dữ chỉ vài giây trước", ông Biden phát biểu trong đoạn video gửi thông điệp tới sự kiện 11-9. Tất cả dành phút mặc niệm tưởng nhớ vào lúc 8 giờ 46 để đánh dấu thời điểm chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa nhà phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC); lúc 9 giờ 03 khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp phía Nam; và lúc 9 giờ 37 khi máy bay tấn công Lầu Năm Góc. 

Ông Biden và phu nhân sau đó cũng tới đặt hoa tưởng niệm tại 2 sự kiện diễn ra tại Virginia và Pennsylvania - nơi 2 máy bay thương mại bị không tặc khống chế rơi xuống. Tại Shanksville, Pennsylvania, ông Biden tưởng niệm những hành khách và thành viên phi hành đoàn can đảm trên chuyến bay số 93 của United Airlines, khi họ đã chống trả quyết liệt tới giây phút cuối cùng với 4 tên khủng bố. Sau đó, ông Biden cùng phu nhân tới thăm trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi 20 năm trước đã chìm trong một quả cầu lửa vì chiếc máy bay do khủng bố lao vào. Phó Tổng thống Kamala Harris và phu quân Doug Emhoff cũng tham gia cùng vợ chồng ông Biden tại sự kiện ở Lầu Năm Góc.

Đúng 20 năm trước, các phần tử khủng bố Al-Qaeda cướp 4 chiếc máy bay thương mại, điều khiển 2 chiếc đâm vào tòa tháp đôi ở New York, một chiếc lao vào Lầu Năm Góc ở Virginia, một chiếc rơi xuống Pennsylvania khi đang hướng về Washington. 2.977người thiệt mạng, 6.000 người khác bị thương. Sự kiện 11-9, kéo dài trong 105 phút với 4 vụ tấn công tại 3 địa điểm khác nhau, đã hoàn toàn làm thay đổi nước Mỹ trong suốt 20 năm qua. 

Tòa tháp đôi chiếu sáng bầu trời New York tưởng niệm nạn nhân sự kiện 11-9.  Ảnh: Reuters

Thế giới hướng về nước Mỹ

Các nước trên thế giới đã gửi thông điệp thể hiện sự đoàn kết với nước Mỹ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: "Sau 20 năm đã qua, ngày nay, chúng ta có thể nói rằng chúng (những chiến binh thánh chiến) đã thất bại trong việc làm lay chuyển niềm tin của chúng ta...". Ông nhấn mạnh: "Chúng cũng thất bại trong việc đẩy các nước chúng ta ra xa nhau hoặc khiến chúng ta từ bỏ những giá trị của mình, hoặc phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực". Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng cho rằng: "Sự kiện 11-9 xảy ra cách đây 2 thập kỷ nhắc nhở chúng ta rằng tự do luôn mong manh. Theo như lời của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tự do cần phải được mỗi thế hệ đấu tranh và bảo vệ liên tục".

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sát cánh cùng Mỹ tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên. Chúng ta sẽ luôn luôn đấu tranh vì tự do".

Từ Italia, Tổng thống Sergio Materrella tuyên bố nước này sát cánh cùng Mỹ và các đồng minh khác nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa khủng bố nào.Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: "Chúng ta phải thừa nhận rằng mặc dù chúng ta có thể đánh bại khủng bố, lực lượng đang đe dọa an ninh của chúng ta, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể đạt được mục tiêu".

Nga cũng chia sẻ sự mất mát đối với nước Mỹ trong thảm họa khủng bố 11-9 và đề nghị hai nước nối lại hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu bất chấp những vấn đề còn tồn tại.

KHẢ ANH

FBI lần đầu tiên hé lộ về vai trò của Saudi Arabia trong vụ 11-9

Đúng dịp lễ kỷ niệm 20 năm này, theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lần đầu tiên công bố tài liệu giải mật về cuộc điều tra vụ khủng bố 11-9 cùng việc tình nghi chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ các đối tượng không tặc.

Phần tài liệu mật mới được công bố, dài 16 trang, có từ năm 2016, cho thấy mối quan hệ giữa những kẻ không tặc với các đối tượng người Saudi Arabia, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Riyadh có liên quan tới các vụ tấn công. Tài liệu của FBI mô tả Omar al-Bayoumi, một sinh viên Saudi Arabia ở Los Angeles, liên quan tới việc "hỗ trợ đi lại, chỗ ở và cung cấp tài chính" cho hai tên không tặc. Saudi Arabia lâu nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan vụ tấn công 11-9. Đại sứ quán Saudi Arabia tại Mỹ mới đây cũng tuyên bố, họ "ủng hộ việc FBI giải mật tài liệu", đồng thời khẳng định "bất cứ cáo buộc nào nói Saudi Arabia đồng lõa trong vụ tấn công ngày 11-9 là hoàn toàn sai sự thật".

T.L