Báo Công An Đà Nẵng

Thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên: Vừa đấm vừa xoa

Thứ ba, 02/01/2018 12:31

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2018 được phát sóng trên truyền hình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng cử đoàn đến tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào đầu năm nay. Nhà lãnh đạo này cũng cho rằng, hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ và khẳng định Triều Tiên luôn để mở cánh cửa đối thoại. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Mỹ nằm trong tầm tấn công của Triều Tiên và ông luôn sẵn sàng kích hoạt nút hạt nhân nằm trên bàn làm việc của mình.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un phát biểu nhân dịp năm mới 2018.    Ảnh: Yonhap

Chìa cành ô-liu với Hàn Quốc

Thông điệp năm mới của ông Kim có đoạn nhấn mạnh: “Thế vận hội mùa Đông sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc sẽ là dịp tốt đối với nước này. Chúng tôi chân thành hy vọng Thế vận hội mùa Đông này sẽ là một thành công. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhiều bước đi, kể cả việc cử đoàn tới đó”.

Thông điệp của ông Kim khiến nhiều người ngạc nhiên vì Seoul hy vọng Bình Nhưỡng sẽ tham gia vào sự kiện thể thao này, qua đó giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công bố chính thức về việc họ sẵn sàng tham gia Thế vận hội PyeongChang, sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 25-2.  Bình Nhưỡng hồi tháng 10 phớt lờ việc xác nhận có gửi các vận động viên đến Hàn Quốc hay không không. Trong bài phát biểu, ông Kim lại gợi ý, quan hệ Triều-Hàn có thể sẽ bớt căng thẳng hơn vào năm 2018. “2018 sẽ là năm có ý nghĩa đối với cả miền Bắc và miền Nam. Miền Bắc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và miền Nam tổ chức Thế vận hội Mùa đông”, nhà lãnh đạo Kim nói.

Theo các chuyên gia, lời đề nghị của lãnh đạo Kim Jong-un về một “nhành ô-liu” đối với Hàn Quốc được xem như là một nỗ lực nhằm sử dụng các mối quan hệ liên Triều tốt đẹp hơn để phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng ngày càng mạnh hơn. Thông điệp hòa giải của lãnh đạo Kim có thể sẽ giúp ích cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người hy vọng sẽ có nhiều cam kết hơn với Triều Tiên trong năm tới. Nếu Triều Tiên gửi một nhóm các quan chức tới Thế vận hội mùa đông, động thái này có thể giúp khôi phục lại các kênh truyền thông liên Triều và các cuộc đối thoại đã bị trì hoãn kéo dài.

Hồi tháng 7, Hàn Quốc đề xuất có các cuộc đàm phán liên Triều về việc giảm căng thẳng quân sự và tổ chức các cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh, nhưng Bình Nhưỡng không có phản hồi gì.

Đe dọa Mỹ

Trái ngược với giọng điệu dịu dàng đối với Seoul, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo Mỹ không nên chống Bình Nhưỡng vì nước này có một chương trình hạt nhân mạnh mẽ có thể đáp trả.

“Mỹ nên biết rằng lực lượng hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một thực tế chứ không phải là một mối đe dọa. Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của các vũ khí hạt nhân nước ta, và một nút hạt nhân luôn nằm trên bàn của tôi”, ông Kim nói. Ông nói thêm: “Chúng ta cần phải sản xuất hàng loạt các đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo và đẩy nhanh việc triển khai. Chúng ta luôn sẵn sàng để có phản ứng hạt nhân ngay lập tức chống lại kế hoạch của kẻ thù trong cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Các nhà phân tích trước đó dự đoán, lãnh đạo Triều Tiên có thể khởi động cuộc tấn công hòa bình đối với Washington với giả định ông muốn tổ chức các cuộc đàm phán nếu Triều Tiên được công nhận là nhà nước hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định lại lời thề sẽ xây dựng kế hoạch hạt nhân chống lại Washington, kêu gọi sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo và triển khai chúng trong năm nay. Một quan chức quân đội Mỹ cho biết: “Triều Tiên cho thấy ý chí mạnh mẽ trong việc đưa các vũ khí hạt nhân vào hoạt động bằng cách đề cập đến nút hạt nhân. Nước này dự kiến sẽ tập trung vào việc phát triển tên lửa tầm xa mang hạt nhân và có thể thực hiện các vụ thử vũ khí sau khi tính đến các tình huống”.

Triều Tiên tăng cường các hành động khiêu khích vào năm ngoái bất chấp sự lên án của quốc tế. Bình Nhưỡng thông báo hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân sau khi phóng đi tên lửa Hwasong-15 hồi tháng 11, đưa toàn bộ lục địa Mỹ vào tầm ngắm. Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang hồi năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim liên tục đưa ra những lời cáo buộc và những lời phỉ báng lẫn nhau. Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng tất cả các lựa chọn, bao gồm hành động quân sự, đối với Triều Tiên, mặc dù Washington vẫn ưu tiên các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Triều Tiên nhấn mạnh rằng sẽ không đưa vấn đề vũ khí hạt nhân lên bàn đàm phán.

Đừng quá lạc quan?

Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo Hàn Quốc đừng quá lạc quan với đề xuất mới nhất của Triều Tiên, nhấn mạnh, Seoul nên phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.

Ken Gause, nhà phân tích cấp cao của CNA Corp tại Mỹ cho rằng, “Bằng cách tiếp cận hỗn hợp với Seoul và Washington, Triều Tiên có vẻ như sẽ tiếp tục với chiến lược của mình nhằm tạo ra một cái gai cho hai đồng minh này”. Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng, Bình Nhưỡng cho thấy sự thay đổi trong cách giải quyết vấn đề khi họ cố gắng nói chuyện với Seoul trong khi vẫn đả kích Mỹ. Chính phủ cần có sự phối hợp chặt chẽ với Washington trong việc thúc đẩy đàm phán với Bình Nhưỡng”.

AN BÌNH

Những phản ứng trái chiều từ Hàn Quốc

Ngày 1-1, các chính đảng tại Hàn Quốc có những phản ứng trái chiều về thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.

Đảng Dân chủ cầm quyền cho rằng, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên chúc kỳ thế vận hội sắp được tổ chức tại Hàn Quốc thành công cũng như đề nghị đàm phán với Seoul về các biện pháp cần thiết kể cả cử đoàn tới tham dự, là một dấu hiệu tích cực. Đảng Nhân dân thuộc phe đối lập cũng ủng hộ lập trường trên. Trong khi đó, các đảng theo đường lối bảo thủ lại gọi thông điệp trên của Triều Tiên là mang tính nước đôi. Ông cũng kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in ngừng việc “xin xỏ” Bình Nhưỡng đối thoại mà hãy “nhìn thẳng vào sự thật”.

T.V