Báo Công An Đà Nẵng

Thông điệp từ lời xin lỗi

Thứ năm, 01/05/2014 23:11

(Cadn.com.vn) - Vừa rồi, phố cổ Hội An (Quảng Nam) siết chặt hoạt động bán vé cho khách du lịch làm xôn xao cộng đồng mạng lẫn trên thực tế. Chuyện này làm tôi nhớ đến ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An. Lãnh đạo Hội An không phải mình ông nhưng sự tâm huyết, chân thành và tình yêu của ông Sự với phố cổ thì khỏi phải bàn. Vậy trong chuyện này, ông Sự "ở đâu"?

Trao đổi với báo chí, ông Sự chia sẻ: việc quản lý chặt du khách ra vào phố cổ phải mua vé không phải là "tận thu" mà để chống thất thu. Tuy nhiên, khi nhận được nhiều tin nhắn của người dân tỏ thái độ khó chịu trước dư luận không hay về thành phố này, bản thân ông cảm thấy có lỗi. Ông nói: “Sự việc vừa qua cho thấy mọi người rất quan tâm đến Hội An. Tôi và lãnh đạo thành phố phải cảm ơn dư luận, cộng đồng mạng và báo chí. Đây chính là vấn đề để người quản lý, người lãnh đạo, người tổ chức thực hiện nhìn lại mình, nhận ra cái vô lý thì mình phải bỏ, cái bất hợp lý thì phải điều chỉnh”.  Thái độ cầu thị, lắng nghe các ý kiến trái chiều của ông Nguyễn Sự, lâu nay được nhiều người biết đến. Và điều đáng nói là thái độ cư xử cầu thị này không chỉ là “của riêng” ông Nguyễn Sự.

Tại Hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 28-4 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: “Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá, tôi là người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân về việc đó”. Ở một số địa phương đơn vị, trong vài năm trở lại đây, cũng đã xuất hiện lời xin lỗi đúng nơi đúng lúc của người đứng đầu. Dù vậy, nền hành chính vẫn còn những tồn tại, phiền hà đến nỗi chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lần đã phải thốt lên: công chức phải học mấy cái xin: xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn.

Có một thực tế là hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức có cách hành xử không đúng mực khi tiếp xúc với dân. Có người quên rằng, mình ăn lương là để phục vụ nhân dân. Có những việc đương nhiên phải làm cho dân nhưng cán bộ cố tình nhũng nhiễu để vòi vĩnh. Nhìn gương mặt cau có, cử chỉ thiếu thân thiện, sự bàng quan vô cảm của họ, người dân cảm thấy e ngại và nản lòng khi có việc phải đến chốn công quyền. Với những cán bộ này, việc thực hiện đúng bổn phận của họ cũng không dễ dàng, huống chi là lời xin lỗi với dân!

Trước thực trạng đó, lời xin lỗi của Thủ tướng và của các cán bộ lãnh đạo địa phương, đơn vị có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đơn thuần là làm cho dân cảm thấy “mát ruột” mà thực sự là mệnh lệnh, là yêu cầu đối với cán bộ thuộc quyền. Có thể xem lời xin lỗi ấy là thông điệp của nền hành chính vì dân, là nhịp cầu nối giữa dân đối với Nhà nước.

Tuy nhiên, những lời xin lỗi ấy sẽ trở thành hình thức, sẽ là lời nói suông nếu không có các biện pháp thực hiện hiệu quả. Theo đó, thủ trưởng các đơn vị, địa phương, khi nhận được phản ánh từ nhân dân về thái độ, cách hành xử không đúng mực của cán bộ thuộc quyền, cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm khắc và công khai trên các phương tiện thông tin để dân biết. Hy vọng với những hành động kịp thời, những cách làm quyết liệt sau Thông điệp từ lời xin lỗi, nền hành chính sẽ chuyển biến tốt, đem lại sự hài lòng đối với nhân dân.

Nguyễn Đức Nam