Báo Công An Đà Nẵng

Văn hóa giao thông, văn minh đô thị:

Thông điệp từ một bài thi

Thứ sáu, 12/12/2014 13:10

(Cadn.com.vn) - Chứng kiến nhiều cảnh tượng đau thương từ TNGT xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, em Bùi Thị Thu Hiền - một học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng đã có bài viết xúc động kèm theo những thông điệp nhân văn cùng nhiều kiến nghị để giảm thiểu những bất hạnh do TNGT mang lại.

Bài viết đã đồng đạt giải Nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi viết mang tên "Văn hóa giao thông vì sự an toàn của cộng đồng và trật tự văn minh đô thị của TP Đà Nẵng" do Công an TP Đà Nẵng phát động trong học sinh sinh viên vừa qua.

Tại hội thảo bàn về biện pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT - Trật tự đô thị, nhiều đại biểu cho rằng đây là một bài viết nhìn bằng lăng kính của một người con có bố bị TNGT, không phải là hoàn cảnh thật của em nhưng là câu chuyện của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cũng là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Với chủ đề "Tâm trạng của người con khi bố bị TNGT", Hiền mở đầu bài thi viết tay rất cẩn thận của mình "Bố thân yêu của con! Bốn năm rồi chứng kiến bố lặng im với đời sống thực vật là bốn năm nhà vắng tiếng cười… Chỉ vì TNGT trong buổi chiều mưa định mệnh đó đã lấy đi cuộc sống bình thường của bố". Cô học sinh có đôi mắt rất thông minh này nói vì đã tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh nên em biết được tâm lý của một người con ban đầu khi gia đình phải chịu cú sốc này chính là tự ti, mặc cảm với bạn bè cũng như trải qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống.

Bài thi cảm động được viết tay rất cẩn thận của em Bùi Thị Thu Hiền.

Sau khi có những thống kê sơ bộ về tình hình TNGT cả nước, về những mảnh đời bất hạnh, Hiền liên hệ với thực tế ở Đà Nẵng "Đôi lần cùng mẹ đi trên đường Điện Biên Phủ, trên đường ray Ngã ba Huế, con đã chứng kiến những chiếc chiếu đắp lên những xác người chết vì TNGT. Con và mẹ chỉ biết đứng lại, cúi đầu xót xa… Nhưng nếu không phải một số ít người đi đường vô ý thức, phóng nhanh, vượt ẩu thì Đà Nẵng ta, Việt Nam ta đâu phải đối mặt với những con số thương tâm như thế. Họ chỉ biết quan tâm đến thời gian, công việc của mình mà bất chấp mạng sống của người khác. Như vậy không đáng chút nào".

Không chỉ là những dòng chữ cảm tính, Hiền còn có nhiều đoàn phân tích đến một số nguyên nhân đã gây ra những hậu quả đau lòng. Đoạn văn sau được nhiều người đánh giá là có cái nhìn rất biện chứng của một cô học sinh lớp 10: "Ngoài những cái chết thảm do ý thức của người tham gia giao thông thì một phần nguyên nhân phải kể đến là do đường sá ở Đà Nẵng ta nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn nhiều ổ gà, ổ voi, rình rập tính mạng người đi đường. Con đã chứng kiến những đoạn đường bị cày nát, sau những cơn mưa nước tụ lại thành những vũng lớn, trở thành nổi ám ảnh cho người dân. Con sợ rằng, nếu những người tham gia giao thông trên những đoạn đường như thế này cộng với việc phóng nhanh vượt ẩu của các tài xế, họ rất dễ gặp tai nạn, cuộc sống của họ và gia đình sẽ khó khăn hơn rất nhiều".

Từ suy nghĩ của một tâm hồn còn rất trong sáng, cô học sinh mong ước: "Bố ơi, giá như cuộc sống này ai cũng có thể nghĩ cho nhau thì hay biết mấy bố nhỉ. Con muốn mỗi buổi chiều đi học về không phải chứng kiến tiếng còi xe inh ỏi, mọi người không còn chen lấn, xô đẩy nhau ở những ngã tư để có thể đi nhanh hơn vài giây, không vượt đèn đỏ thì tốt biết bao… Và con ước bố sẽ chóng tỉnh lại, khỏe mạnh hơn để nhìn thấy con gái lớn khôn và thực hiện ước mơ góp phần xây dựng văn hóa giao thông, văn minh đô thị".

Trò chuyện với chúng tôi, nữ sinh Bùi Thị Thu Hiền tâm sự, lúc đầu em thấy ý tưởng của bài viết nó hơi kì kì, vì đó không phải là hoàn cảnh thực của gia đình em. Nhưng bạn bè, một số người mà em biết lại đã và đang trải qua hoàn cảnh tương tự, nên em nhìn vấn đề qua lăng kính của một người bằng tuổi, kém may vì thảm họa TNGT. "Không ai mong muốn những điều như vậy xảy ra, nhưng nó vẫn xảy ra mỗi ngày. Em mong muốn toàn xã hội hãy chung tay hạn chế, giảm thiểu những hậu quả do TNGT để xây dựng một xã hội văn minh", Hiền nói.

Bảo Nam