Báo Công An Đà Nẵng

Thống nhất triển khai dự án Cảng Liên Chiểu

Thứ tư, 20/11/2019 13:21

Ngày 19-11, Đoàn Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê nhằm chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm. Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự quan tâm đến chủ trương xây cảng Liên Chiểu của Đà Nẵng, sau khi có nhiều tranh luận xung quanh đề xuất từ đơn vị tư vấn Singapore là nên phát triển cảng Tiên Sa, không xây cảng Liên Chiểu. 

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Q.Thanh Khê.

Tại buổi tiếp xúc, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Đơn vị tư vấn Surbana Jurong cho rằng hiện nay lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua cảng của cả nước chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng; còn lại khu vực miền Trung lượng hàng hóa không bao nhiêu. Tuy nhiên, miền Trung lại rất nhiều cảng, nên đề nghị Đà Nẵng giữ cảng Tiên Sa, nâng cấp, mở rộng, làm đường vận chuyển trên không băng qua Vân Đồn, qua Đống Đa rồi kết nối với cao tốc. Đồng thời giữ lại vùng Liên Chiểu để phát triển tài nguyên về du lịch, về dịch vụ.

Sau đề nghị trên, qua nhiều hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định cảng Liên Chiểu đã được nghiên cứu nhiều năm và đã có trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị từ năm 2003, nhưng chưa có điều kiện triển khai. Hiện nay, về mặt thủ tục cảng Liên Chiểu đã được HĐND thông qua, đã được Chính phủ đồng ý trình dự án để đưa vào bố trí vốn và chuẩn bị bố trí vốn trong trung hạn 2015-2020 nhằm chuẩn bị triển khai đầu tư. Chúng ta vẫn giữ quan điểm triển khai cảng Liên Chiểu. Tư vấn cũng đã thống nhất. Cảng Tiên Sa sẽ dành sử dụng như cảng du lịch, bến du thuyền, cảng quân sự. Trong thời gian chưa có cảng Liên Chiểu thì cảng Tiên Sa vẫn khai thác bình thường. Vì vậy, đây không còn là vấn đề tranh cãi nữa”.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi  thì dự án Cảng Liên Chiểu được quy hoạch để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU. Để triển khai dự án, TP Đà Nẵng đề xuất, nguồn ngân sách Trung ương là hơn 2.990 tỷ đồng, tương đương 87,4% tổng nguồn vốn đầu tư dự án. Đối với nguồn ngân sách Bộ GTVT là nguồn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ. TP. Đà Nẵng cũng sẽ bố trí vốn ngân sách 433 tỷ đồng, tương đương 12,6% để thực hiện dự án này. 

Cử tri Nguyễn Quang Nga mong muốn làm rõ thông tin về lô biệt thự L09 (thuộc dự án Khu biệt thự Suối Đá) mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, kết quả thanh tra bán đảo Sơn Trà đã công bố cuối tháng 10 vừa qua. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 2 dự án sang cơ quan điều tra Bộ Công an là dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa (do Công ty CP Xây dựng 79 làm chủ đầu tư) và dự án Khu biệt thự Suối Đá (Lô biệt thự L09). Nhiều cử tri cũng đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng thông tin về tiến độ xử lý sai phạm trong lĩnh vực xây dựng tại tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (gọi tắt là Mường Thanh Đà Nẵng). Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng rất cương quyết xử lý các hạng mục sai phạm của Mường Thanh. "Chúng ta không có áp lực gì ở đây cả. Nhưng xử lý một tòa nhà sai phạm không phải nói hôm nay, ngày mai là làm được. Nếu chủ đầu tư không tự ý tháo dỡ các hạng mục sai phạm, qua Tết Canh Tý 2020, Đà Nẵng sẽ cưỡng chế. Chi phí cho việc tháo dỡ công trình khoảng 30 tỷ, do chủ đầu tư trả"- ông Thơ nói.

Cử tri chất vấn các đại biểu HĐND.

Liên quan đến những bất cập trong việc thu gom, tập kết, xử lý rác thải của nhiều cử tri, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng ‘Ngày nào tôi cũng nhận hàng chục cuộc gọi của người dân phản ánh về rác”. Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) loay hoay suốt 7-8 năm nay về việc thu gom rác, điểm tập kết, trạm trung chuyển rác nhưng vẫn chưa ổn. Ông Thơ cũng yêu cầu cơ quan liên quan phải khảo sát để bố trí xây dựng những điểm tập kết rác thải hợp lý. Nếu cần thiết có thể giải tỏa một số hộ dân để lấy đất làm điểm tập kết rác. Muốn giải tỏa thì phải đền bù thỏa đáng để người dân vui vẻ chấp hành, thực hiện. Liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn tại Khánh Sơn, ông Thơ cho biết hiện có 2 dự án đang triển khai quyết liệt. Đó là dự án của Công ty môi trường Việt Nam đang nâng cấp nhà máy và dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn. Nhà máy xử lý rác thải rắn do thành phố kêu gọi nhà đầu tư và hiện đã xây dựng xong bộ tiêu chí để lựa chọn công nghệ.

“Công nghệ phải đảm bảo yêu cầu cao nhất, phải làm sao để toàn bộ rác đưa vô lò sẽ thành điện và lượng than còn lại phải sử dụng được cho các mục tiêu khác. Công nghệ là phải của các nước phát triển, phải làm chặt chẽ, không để xảy ra sai sót trong triển khai dự án. Không có chuyện thích ông nào thì chọn ông đó để rồi cuối cùng bể ra hết”, ông Thơ khẳng định và cho biết thêm, bãi rác Khánh Sơn đã gần hết công suất nên nếu không triển khai xây dựng nhà máy rác là vỡ trận.

Mỗi ngày thành phố thải ra hơn 1.000 tấn rác thì không có bãi rác nào, đất đai nào chứa được. Vì vậy phải khẩn trương triển khai xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn ở Khánh Sơn là điều tất yếu…

PHƯƠNG KIẾM