Báo Công An Đà Nẵng

KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Thông qua Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng

Thứ năm, 19/06/2014 10:14

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-6, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường đã biểu quyết thông qua các Điều 1, Điều 5 và toàn văn Luật đầu tư công với tỷ lệ 88,35% ĐBQH tán thành; biểu quyết thông qua Điều 49, Điều 61 và toàn văn Luật Xây dựng (sửa đổi) với tỷ lệ 79,72%.

Luật Đầu tư công quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý Nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Theo đó, các lĩnh vực đầu tư công gồm: các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng KT-XH; đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội ở trong nước và ở nước ngoài; đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; đầu tư bằng vốn đầu tư công trong phần Nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công-tư.

Luật Xây dựng (sửa đổi) có 10 Chương, 168 Điều được xây dựng trên cơ sở đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xây dựng hiện hành và những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quản lý hoạt động xây dựng; khắc phục được những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành, từ đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cùng ngày, QH tiếp tục thảo luận về 2 dự án luật: Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS, sửa đổi). Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), có 24 ĐBQH phát biểu ý kiến tập trung thảo luận những nội dung: Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở; Quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Mục đích sử dụng nhà; Đối tượng được sở hữu nhà ở; Chính sách phát triển nhà ở; Cho thuê đất để xây dựng thương mại, nhà ở xã hội; Hình thức phát triển nhà ở xã hội và đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội; Tài chính cho phát triển nhà ở; Chính sách phát triển nhà ở công vụ; Quỹ phát triển nhà ở xã hội; Thời hạn sử dụng nhà chung cư; mô hình hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư; Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

Về Luật KDBĐS (sửa đổi), có 10 ĐBQH phát biểu ý kiến thảo luận về các nội dung: Các loại BĐS đưa vào kinh doanh; Phạm vi KDBĐS của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài; Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân KDBĐS; Chính sách đầu tư KDBĐS; Quy định cho phép các chủ đầu tư KDBĐS được bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai; Bảo lãnh trong bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; Thanh toán trong giao dịch BĐS; Dịch vụ sàn giao dịch BĐS; Quyền của bên bán nhà, công trình xây dựng; Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ dự án BĐS; Chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng KDBĐS; Bảo hành nhà, công trình xây dựng đã bán; Dịch vụ quảng cáo, đấu giá BĐS...

H.Hoa