Báo Công An Đà Nẵng

Thông tin cần dựa trên tình người và đạo đức xã hội

Thứ sáu, 14/08/2015 09:39

(Cadn.com.vn) - Chỉ riêng cụm từ "Vụ thảm sát ở Bình Phước" đã cho ra hơn 1 triệu kết quả trên trang tìm kiếm Google. Ở vào giai đoạn đỉnh điểm của vụ án, đã có người cho rằng đây là đợt khủng hoảng truyền thông trầm trọng, vì cùng một lúc có quá nhiều thông tin hỗn loạn, ầm ĩ tập trung vào vụ án mạng. Nhưng thực tế khủng hoảng truyền thông không phải đợi đến "thảm án Bình Phước" mới bắt đầu, nó chỉ là sự bùng nổ từ những lối tư duy báo chí lệch lạc đã bắt đầu từ rất lâu.

Tôi có một hội bạn già rất trung thành với việc đọc báo, nhưng vào những ngày tháng 7 vừa qua, họ thú thật với tôi rằng họ bị bội thực bởi sự tấn công ồ ạt của cùng một lúc nhiều nguồn thông tin nhiễu loạn rất khó phân biệt đúng, sai, phải, trái. Nhiều người thậm chí đã chọn cách tạm dừng lướt web, đọc báo, hay đóng cửa trang cá nhân để không bị ám ảnh bởi vụ án mạng.

Tôi, vì lý do công việc, đã "dũng cảm" theo dõi và đọc gần như không bỏ sót các bài báo liên quan đến "thảm án" này, từ những trang báo in, đến các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Và trong số đó, tôi nhận thấy những tác phẩm truyền thông khai thác theo hướng tích cực, mang tính giáo dục, cảnh tỉnh, hỗ trợ cho quá trình tố tụng, có ích cho xã hội lại bị lấn lướt bởi những bài báo mô tả triệt để các nội dung ly kỳ như sự hung ác của sát thủ, sự thương tâm của tấm thảm kịch kinh hoàng, sự đau đớn, tủi nhục của thân nhân kẻ phạm tội...

 Thực tế đó chỉ là những thông tin được nhào nặn, cắt xén, xâm phạm vào quyền tự do riêng tư của con người chỉ để kích thích sự tò mò của độc giả. Điều đáng tiếc là chính những nguồn thông tin không chính thống, những lập luận, nhận định tùy tiện này lại có tốc độ chia sẻ chóng mặt trên các trang cá nhân, mạng xã hội. Có những ngày mở facebook, thấy tràn ngập những "status" trích, dẫn tình tiết vụ án theo kiểu câu "view", "nhe" một cách triệt để, thậm chí thông tin còn được thêm thắt sao cho thật rùng rợn như "Một mũi dao, 6 mạng người và hơn thế nữa… ", "Bé gái thoát chết hy hữu và tiết lộ động trời về thân nhân… "...

Không những vậy, rất nhiều tờ báo đã dẫn lại nguồn hình ảnh minh họa, những bức vẽ phác thảo diễn biến vụ việc mà nguồn gốc lại từ một tác giả chưa rõ tên tuổi chứ không phải từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Những bức vẽ kèm lời bình, thoại pha trộn các yếu tố ly kỳ được mượn từ các bộ phim hay câu chuyện trinh thám này đã làm nên một cuộc "bùng nổ" trên mạng xã hội ngay sau đó. Và từ những dấu... vô cảm, những bức vẽ chưa qua kiểm duyệt ấy, đã có hàng trăm nghìn lượt xem, thích và tiếp tục chia sẻ tràn lan gây hỗn loạn thông tin, hoang mang dư luận. Và tôi tự hỏi, các bạn trẻ, với những mối quan hệ "chằng chịt" trong công việc, cuộc sống, tình yêu, những gắn kết, lệ thuộc vô hình với các trang mạng xã hội, liệu có thể dễ dàng chọn cách đóng cửa facebook, tạm ngừng lướt web như hội bạn già của tôi? Họ, những bạn trẻ vốn thiếu kinh nghiệm sống, kỹ năng sống và có thừa sự non nớt, cả tin sẽ ứng phó như thế nào với cơn bão  thông tin thật giả lẫn lộn, khó lường ấy?

Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm Việt Nam cho biết những vụ thảm án gần đây đã phản ánh một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay. Những vụ giết người ghê rợn, lạnh lùng  chủ yếu là hệ quả của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực mà không phải là hiện tượng mang tính đột xuất, bất ngờ. Trong đó, cần phải nhìn nhận trên nhiều bình diện từ tâm lý, nhận thức, giáo dục, môi trường xã hội và đặc biệt là ảnh hưởng của truyền thông... Có thể thấy, những hình ảnh bạo lực, lạnh lùng, vô cảm, những phương thức thủ đoạn tàn bạo, dã man, phi nhân tính của tội phạm lan tràn trên sách báo, phim ảnh, internet, mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người, nhất là những người trẻ. Họ tiếp cận với cái ác một cách dễ dàng, thậm chí có thể nắm bắt được cả tâm lý, suy nghĩ và đời tư của kẻ gây ra tội ác, và dần trở nên quen thuộc với cái ác, dẫn đến chai lì cảm xúc. Đây chính là một trong những nguyên nhân của các hành vi mất kiểm soát và phạm tội trong giới trẻ.

Liên quan đến vấn đề này, trong một chia sẻ gần đây trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã cho rằng: "Thông tin rõ về vụ án mạng là cần thiết... nhưng báo chí đừng bàng quan, vô cảm trước nỗi đau và mất mát của người khác, đừng nhẫn tâm dẫn dắt công chúng mua vui bằng những tình tiết ly kỳ của tội ác. Là nghề nghiệp đặc thù, báo chí có vai trò rất quan trọng đối với xã hội. Hiệu ứng của thông tin báo chí qua những vụ việc như thế này có thể làm băng hoại đạo đức xã hội. Căn tính bạo lực luôn tiềm tàng đâu đó, báo chí đừng kích thích cái ác mà hãy hướng thiện. Tất cả các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của báo chí đều có chế tài xử lý và cần được thực hiện nghiêm túc".

Tự do ngôn luận, thông tin, vì thế, thiết nghĩ trước hết cần dựa trên sự tôn trọng quyền tự do, riêng tư của mỗi cá nhân, và hơn hết, cần tôn trọng tình người và những giá trị đạo đức cơ bản trong xã hội.

Nguyễn Nguyệt Đăng