Thông tin thêm về trường hợp tử vong nghi ngộ độc thức ăn ở Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Sáng 13-10, chúng tôi có mặt tại Khoa Hồi sức tích cực- chống độc BV Đà Nẵng để gặp anh Nguyễn Văn Nhân, chồng chị Phạm Thị Kiều- nạn nhân chết nghi ngộ độc thức ăn. Anh Nhân hiện đã phục hồi sức khỏe.
Anh Nhân kể lại sự việc như sau: "Chiều tối hôm đó, đi làm về, tui thấy vợ cùng bé Vy (con út) quạt lửa nướng cá. Loại than vợ tui dùng nướng là than củi. Quạt xong, vợ tui đem vô ngay chỗ cửa sắt, lấy quạt máy bấm lên cho nó đỏ hực lên trong nồi inox. Sau đó, vợ tui xách vào buồng ngủ, bỏ cá lên vỉ nướng, rồi đưa cho tui ăn, chấm với mắm gừng. Tui lấy 3 lon bia cúng ông Địa uống. Thường thì tối nào tui với vợ cũng uống 3 lon bia. Tui ăn một miếng thôi….".
Trong quá trình kể, có lúc anh Nhân nói sau khi nướng ăn xong, lò than vẫn để trong phòng; lúc lại nói đã dẹp nó ra ngoài cửa phòng ngủ. Sau cùng, anh Nhân kết lại: "Nướng cá ăn xong, vợ tui đẩy lò than ra ngoài rồi đóng cửa phòng lại. Phòng ngủ vợ chồng tui có máy điều hòa. Tui nhớ lúc đó vợ tui bật 22 độ, rồi vào nằm. Lúc đó thì tôi mê luôn...".
Cũng theo anh Nhân, loại cá mà họ ăn có mắt màu đỏ nên theo anh đó là cá bã trầu. Khi nghe tin chị Phạm Thị Kiều đã tử vong, anh Nhân ứa nước mắt nói chưa ai thông báo cho mình biết thông tin này. Cũng theo anh Nhân, quan hệ vợ chồng họ rất tốt. Vừa rồi, vợ anh có nói anh đi vay 20 triệu, đã trả được 4, 5 tháng rồi...
Qua trao đổi với BS Võ Duy Trinh - Phó Khoa Hồi sức tích cực- chống độc, được biết bệnh nhân Nguyễn Văn Nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, có suy hô hấp. Qua khai thác bệnh sử và thăm khám thì các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc. Còn ngộ độc cái gì thì chưa biết được. Theo đó, anh Nhân đã được các y bác sĩ tại đây điều trị theo hướng ngộ độc. Sau gần 12 tiếng được điều trị, bệnh tình của anh Nhân cải thiện tốt. Hiện tại thì bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn. "Nguyên nhân xác định ngộ độc vì cái gì thì chúng tôi không thể xác định được, bởi hiện tại chưa làm xét nghiệm được tiền độc chất ở trong máu do bệnh viện chưa có loại máy để làm xét nghiệm này. Vì thế, chúng tôi dựa vào lâm sàng theo dõi và điều trị theo triệu chứng lâm sàng", BS Duy Trinh nói.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu có khả năng tử vong liên quan đến ngạt khí thì biểu hiện lâm sàng của người bệnh như thế nào, BS Trinh cho biết: "Như nhau hết. Chúng tôi không thể khẳng định do nguyên nhân ngạt hay ngộ độc, bởi vì nhiều thứ ngộ độc đường tiêu hóa vẫn có triệu chứng như vậy, không phân biệt được. Chỉ trừ trường hợp là chứng kiến chính xác nạn nhân bị ngạt khí rõ ràng thì mới có thể khẳng định. Chính vì vậy, việc khai thác bệnh sử rất quan trọng. Trong trường hợp của anh Nhân, chúng tôi không khai thác được bệnh sử rõ ràng bởi vì người đưa vào không chứng kiến sự việc ngay từ đầu".
P.T
Anh Nguyễn Văn Nhân tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: P.T