Báo Công An Đà Nẵng

Thông tin thêm về vụ “Đánh sập đường dây mua bán động vật hoang dã quy mô lớn”

Thứ bảy, 19/05/2018 19:00

Liên quan đến vụ “Đánh sập đường dây mua bán động vật hoang dã (ĐVHD) quy mô lớn” trên địa bàn H. Thăng Bình (Quảng Nam) mà Báo Công an TP Đà Nẵng có bài phản ánh, ngày 18-5, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Thuận (1962, trú TT Hà Lam, H. Thăng Bình) để tiếp tục điều tra hành vi “Vi phạm các quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Điều đáng nói, dưới vỏ bọc lợi dụng giấy phép gây nuôi động vật rừng được cấp cho gia đình mình, bà Thuận đã tổ chức mua bán trái phép ĐVHD ngay tại nhà trong một thời gian dài...

Lực lượng CA làm việc với bà Phạm Thị Thuận.

Như thông tin đã đưa, sau thời gian xác lập chuyên án đấu tranh, ngày 8-5, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Quảng Nam kiểm tra hành chính tại nhà bà Phạm Thị Thuận đã phát hiện gần 250 cá thể rùa, gần 100 cá thể rắn, 8 cá thể kỳ đà, 1 cá thể chồn hương được tàng trữ trái phép tại cơ sở này. Đáng chú ý, trong đó có 13 cá thể rắn hổ chúa thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ và nhiều cá thể rùa thuộc nhóm ĐVHD quý hiếm cần bảo vệ nguy cấp.

Qua làm việc, bà Thuận khai nhận số ĐVHD trên được thu mua của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và nhiều địa phương khác trong cả nước, sau đó tập kết đem đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc nhằm kiếm lời. Điều đáng nói, hoạt động mua bán trái phép ĐVHD của bà Thuận được tổ chức dưới vỏ bọc là lợi dụng giấy phép gây nuôi động vật rừng được cấp cho cơ sở ông Trần Văn Kinh (chồng bà Thuận) nhưng thực chất cơ sở này do bà Thuận quản lý nên bà đã tổ chức mua bán trái phép ĐVHD ngay tại đây. Chính vì thế, việc mua bán trái phép ĐVHD tại cơ sở bà Thuận diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện.

Được biết, tại cơ sở gây nuôi động vật rừng của vợ chồng bà Thuận đang được phép gây nuôi một số chủng loại động vật rừng gồm: cầy hương, don, gà đất Sê-Pôn và rùa sa nhân. Nhưng việc gây nuôi này chỉ nhỏ lẻ và chủ yếu là làm bình phong cho hoạt động mua bán trái phép ĐVHD.

Phát hiện nhiều loại ĐVHD nguy cấp, quý hiếm tại cơ sở bà Thuận.

Nói về quá trình đấu tranh chuyên án này, Trung tá Hồ Song Ân - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Quảng Nam cho biết: Sau khi nắm được thông tin về hoạt động mua bán trái phép ĐVHD của bà Phạm Thị Thuận dưới vỏ bọc cơ sở gây nuôi động vật rừng, đơn vị đã xác lập chuyên án để đấu tranh, phân công trinh sát theo dõi hoạt động của đối tượng. Khi đã có đầy đủ thông tin, chứng cứ, BCA tổ chức bắt quả tang. Đây được xem là vụ mua bán, tàng trữ ĐVHD trái phép lớn nhất Quảng Nam từ trước đến nay được phát hiện. “Trong số các loài ĐVHD không rõ nguồn gốc phát hiện tại nhà bà Thuận, có những loại nằm trong danh mục nguy cấp quý hiếm, chỉ cần một cá thể cũng đã đủ yếu tố khởi tố hình sự. Hiện Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Thuận để điều tra mở rộng... Qua vụ việc này cho thấy việc quản lý các cơ sở gây nuôi động vật rừng theo quy định của Nhà nước vẫn còn khá lỏng lẻo nên các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Hiện lực lượng Cảnh sát môi trường CA tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, xử lý nghiêm những vi phạm trên lĩnh vực này” - Trung tá Ân nhấn mạnh.

Đối với các cá thể ĐVHD được phát hiện tại nhà bà Thuận, lực lượng CA tỉnh Quảng Nam đã bàn giao cho các đơn vị chức năng giải cứu. Cụ thể, 13 cá thể rắn hổ chúa được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ ĐVHD TP Hà Nội; các cá thể rùa bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ ĐVHD rừng Quốc gia Cúc Phương; các cá thể ĐVHD còn lại được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thả về rừng tự nhiên.

Một cá thể rắn hổ chúa quý hiếm.

Được biết, ngày 8-11-2016, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Văn Tú (1983) và Nguyễn Như Bảo (1981, cùng trú xã Bình Quý, H. Thăng Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép ĐVHD quý hiếm”. Trước đó, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Quảng Ninh kiểm tra ô-tô đông lạnh BKS 92C-093.97 do Đặng Văn Tú điều khiển, trên xe có Nguyễn Như Bảo là chủ xe chạy từ miền Trung ra Quảng Ninh. Qua kiểm tra, lực lượng CA phát hiện trên xe vận chuyển trái phép 222 thùng xốp, trong đó có 200 thùng đựng cá đông lạnh các loại, 18 thùng còn lại đựng 738kg tê tê Java - loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; 3 thùng đựng 172kg vảy tê tê và 45kg rùa đầu to. Qua làm việc, chủ xe không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ số ĐVHD trên. Các đối tượng khai nhận, số ĐVHD trên chở thuê cho một người ở miền Trung chuyển ra Quảng Ninh tiêu thụ.

Bàn giao các cá thể rùa cho Trung tâm cứu hộ ĐVHD rừng Quốc gia Cúc Phương.

Như vậy có thể thấy, hiện nay tình trạng mua bán, vận chuyển ĐVHD trái phép trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng đang có chiều hướng gia tăng. Mặc dù đã có nhiều đường dây, đối tượng bị bắt, xử lý nghiêm nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn bất chấp pháp luật với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

TRẦN TÂN