Thủ đoạn sản xuất hơn 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất như thế nào?
Ngày 20-4, Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (viết tắt: CSKT)- Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 4 đối tượng có hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Trước đó, Phòng CSKT phát hiện một số cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm do các đối tượng trong và ngoài địa bàn câu kết hoạt động sản xuất giá đỗ có sử dụng hóa chất nhằm tăng sản lượng, thu lợi nhuận cao. Đáng nói, các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Chúng chọn địa điểm xa khu dân cư, nơi ít người qua lại; che chắn kín mít bằng các vật liệu như bạt, tôn, lưới… để người bên ngoài khó tiếp cận. Đặc biệt, chúng hoạt động chủ yếu vào ban đêm hoặc rạng sáng để tránh sự chú ý.
Do đó, Phòng CSKT đã xin ý kiến lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An xác lập chuyên án đấu tranh. Sau một thời gian kiên trì triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 11-4, Phòng CSKT chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Vinh. Ban chuyên án bắt giữ 4 đối tượng là chủ 4 cơ sở sản xuất giá đỗ nói trên, gồm: Lưu Mạnh Hưởng (1993), Lưu Văn Trung (1997, cùng trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); Trần Khắc Duy (1990) và Nguyễn Văn Hướng (1998, cùng trú phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) về hành vi: “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Tang vật thu giữ gồm gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại, có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.

Tại Cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Theo đó, để rút ngắn thời gian sinh trưởng và kéo dài thời gian bảo quản, giúp sản lượng giá đỗ cao hơn thông thường. Đặc biệt để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt, thu lợi nhuận cao hơn, các đối tượng này đã sử dụng “nước kẹo” là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP) để tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất. Cả 4 đối tượng đều nhận thức được việc sử dụng “nước kẹo” để sản xuất giá đỗ là sai, vi phạm pháp luật, song do hám lợi nên vẫn tiếp tục sử dụng hóa chất nêu trên để sản xuất, nuôi trồng giá đỗ.
Cơ quan chức năng làm rõ, từ năm 2024 đến nay, các đối tượng đã sử dụng “nước kẹo” để sản xuất giá đỗ, bán ra thị trường với tổng khối lượng hơn 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm. Trung bình mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất khoảng 3 – 5 tấn giá đỗ, sau đó bán cho các tiểu thương tại các chợ đầu mối trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh lân cận.
Hiện, Phòng CSKT- Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, mở rộng chuyên án.
DƯƠNG HÓA