Thu gom "rác tài nguyên": Việc làm nhỏ nhưng giá trị không nhỏ
Thu gom "rác tài nguyên" (RTN) tưởng là chuyện nhỏ nhặt. Song ở P. Thuận Phước,(Q. Hải Châu, Đà Nẵng) từ năm 2008 đến nay đã trở thành câu chuyện được lãnh đạo địa phương và người dân quan tâm, bởi nó không những đã góp phần vào công tác an sinh xã hội của phường mà còn góp phần tạo nên ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sống.
Người dân trên địa bàn P. Thuận Phước thực hiện thu gom, phân loại "rác tài nguyên". |
Tại Thuận Phước, hầu như người dân nào cũng biết việc phân loại rác thải tại nguồn để gây quỹ an sinh xã hội đạt con số hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2017, số liệu thống kê chưa đầy đủ của khu dân cư (KDC) đã thu về hơn 260 triệu đồng. Riêng năm 2018, tính đến trung tuần tháng 5 số thu tại 37 KDC đã đạt hơn 42 triệu đồng. Tại các KDC mới chia tách như Tân Phước 2, Tân Phước 5, Tân Phước 6 chỉ mới hoạt động 3 tuần đã thu xấp xỉ 1 triệu đồng mỗi KDC… Số tiền này đều được các KDC quản lý chặt chẽ, chi cho các hoạt động thiết thực như: Trao tặng quà, học bổng cho học sinh có thành tích trong học tập, học sinh nghèo, tặng quà các dịp lễ, Tết cho gia đình chính sách, các hoạt động của hội, đoàn thể...
Người dân không chỉ phân loại rác từ gia đình mà còn thu gom phân loại các loại rác rải trên các tuyến đường. Phong trào này bắt nguồn từ đâu, có từ bao giờ, tại sao Thuận Phước lại triển khai được khá đồng bộ và đạt kết quả đáng khích lệ như vậy…? Đó là sự đồng thuận là sự lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp và triển khai hiệu quả từ những dự án nhỏ như: dự án "Nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường" do Trường Đại học Nghiên cứu môi trường toàn cầu Kioto Nhật Bản tài trợ, từ năm 2006. Tham gia BQL dự án lúc bấy giờ có ông Nguyễn Dũng Sỹ, bà Lê Thị Thuận cho biết: Với mục đích bước đầu làm chuyển biến nhận thức người dân, chính quyền và Hội phụ nữ phường trực tiếp xuống các KDC, khảo sát các hồ đầm ô nhiễm, cùng bàn bạc trao đổi và chỉ rõ cho người dân rằng ô nhiễm là do chúng ta gây ra đồng thời nêu giải pháp giảm thiểu… bằng cách thu gom rác, không xả thải bừa bãi. Dự án này đã xuất hiện nhiều gương điển hình và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ, thành phố, quận cho nhân dân Thuận Phước. Tổ dân phố 32 (cũ) có ông Trương Đình Thanh đã sáng tạo ra lưới để thu gom rác ở hồ Đầm Rong 2, chị Trần Thị Lưỡng đạt giải nhất về cuộc thi tái chế rác thải vì đã sáng tạo ra phao bơi từ việc tận dụng RTN.
Đầu năm 2018, khối dân vận cùng UBND phường và các chi bộ KDC ở Thuận Phước phối hợp triển khai nhân rộng. Hệ thống chính trị toàn phường đã vào cuộc. Phường triển khai thí điểm mô hình thu gom phân loại rác tại nguồn, giao chi bộ lãnh đạo, quản lý, quân dân chính làm cốt cán vận động toàn dân tham gia thực hiện. Qua công tác vận động, các tổ chức, nhà hảo tâm tặng 10 xe đẩy có thùng đựng RTN đảm bảo mỹ quan hỗ trợ cho 10 KDC để tập kết và thu gom RTN. Phát 3.337 tờ rơi, tranh thủ dự án hỗ trợ 2.500 túi đựng phân loại rác 3R. Bằng nguồn xã hội hóa, P. Thuận Phước trang bị thêm 1.000 túi phát cho 100% hộ dân trên toàn phường; phát 250 quyển sổ 3R cho hệ thống quân dân chính. Các Chi bộ KDC còn lại tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc thu gom RTN, tự đóng xe thu gom. Có chi bộ đã thành lập tổ thu gom, hàng tháng có báo cáo thường xuyên cho Thường trực Đảng ủy phường, đây cũng là một trong những nội dung, việc làm cụ thể về việc làm tốt tại khu dân cư trong thực hiện chuyên đề Chỉ thị 05 năm 2018.
Để tác động làm thay đổi ý thức, tập quán, thói quen lâu đời của người dân không phải một sớm một chiều. Vì vậy P. Thuận Phước đã phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở phường, tập trung vào công tác dân vận, lãnh đạo, chỉ đạo vào việc cụ thể, kiên trì vận động, thuyết phục người dân với phương châm "người đứng đầu làm gương". Phường cũng tập trung xây dựng lực lượng cốt cán phong trào, chính lực lượng này trong KDC, tự vận động nhau hàng ngày, chỉ cho họ cái lợi ích trước mắt cũng như lâu dài... Sự nêu gương của cán bộ, Đảng viên và người đứng đầu là yếu tố không thể thiếu làm nên điều "không nhỏ này".
Hiện nay trên địa bàn Thuận Phước đang tiếp tục triển khai có hiệu quả dự án thứ 2 về môi trường "Quản lý chất thải rắn, thúc đẩy phân loại và tái chế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2017-2019" và đang là luồng gió mới tạo thêm đà cho việc thu gom RTN thuận lợi hơn. Việc thu gom phân loại RTN, không còn là chuyện nhỏ và chuyện của riêng ai. Bởi nếu mỗi người dân đều có ý thức thu gom phân loại rác tại gia đình mình, làm đúng hướng dẫn, thì lợi ích không phải là nhỏ. P. Thuận Phước là một trong những đơn vị cơ sở làm tốt công tác dân vận, có cách làm sáng tạo, cán bộ từ phường đến khu dân cư, bám sát công việc, động viên, phát huy được sức mạnh, đồng thuận và sự tự nguyện tự giác của người dân. Chính họ đã tự thay đổi thói quen, hàng ngày mà không phải nơi nào cũng làm được.
Thiết nghĩ, để phong trào này phát huy, việc thu gom phân loại RTN, ngoài việc nhiều người, nhiều cộng đồng vào cuộc thì công tác tổ chức tập kết, thu mua, thời gian, địa điểm, chung quy đầu ra… phải thuận lợi để người thực hiện không nản lòng, Những nơi làm chưa hiệu quả cần kiên trì vận động thuyết phục tạo sự tự nguyện tự giác của mọi tầng lớp nhân dân.
Phạm Công Lương