Báo Công An Đà Nẵng

Thư gửi Hoàng Sa

Thứ bảy, 31/05/2014 10:12

(Cadn.com.vn) - "Tàu của ba Thỏ biển đã áp sát giàn khoan Trung Quốc rồi kìa”- Nguyễn Thị Thương (1986, công tác tại Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, Đà Nẵng) chỉ lên màn hình tivi nói với con gái đầy tự hào khi chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam phát bản tin nói về tình hình ngoài đảo Hoàng Sa. Và, đó cũng là câu chuyện Thương bắt đầu với chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở tổ 82, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu trong những ngày chồng chị - anh Ngô Trọng Hiếu, thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 764 đang kiên trung đấu tranh bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Con đầy tháng, ba lên đường

Chị Thương bảo, anh đi từ hôm 2-5. Cũng từ đó đến nay, mẹ con chị không nhận được điện thoại hay tin tức từ anh mà chỉ thông qua báo chí, truyền hình và Hải trưởng. Ngày anh nhận nhiệm vụ cũng là lúc con gái đầu lòng của hai người vừa xong lễ đầy tháng. Anh chị đặt tên cháu là Ngô Thục Trang, lấy biệt danh “Thỏ biển”.

Thương kể, chị tốt nghiệp đại học khoa họa, về công tác tại trường Đỗ Đăng Tuyển tại Đà Nẵng, còn anh tốt nghiệp Học viện Hải quân, công tác tại Phú Quốc, sau đó chuyển về Vùng 3 Hải quân và làm Thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 764. Trong một lần giao lưu văn nghệ, hai người quen, yêu và cưới nhau năm 2013. Gia đình anh ở xa (Thái Bình), nhà chị cũng chẳng giàu có gì nên sau khi cưới, hai người ra riêng trong căn phòng thuê trọ chật hẹp. Nghèo nhưng hạnh phúc vì anh yêu thương, luôn quan tâm chăm sóc chị. “Thương vẫn cho rằng mình may mắn và hạnh phúc vì có anh. Nhiều người bảo lấy chồng binh nghiệp thì khổ cả đời, nhưng Thương không nghĩ vậy. Khi hai đứa yêu nhau, anh đã nói “anh sinh ra từ vùng đất biển nên sẽ trọn đời cống hiến vì biển đảo quê hương”, Thương nói về chồng đầy tự hào.

Hiệu trưởng trường THCS Đỗ Đăng Tuyển thăm, động viên gia đình chị Thương.

Vợ chồng son, nhưng chị suốt ngày bám trường, còn Hiếu là thuyền trưởng nên cũng gần như 24/24 giờ có mặt ở tàu, căn phòng trọ cũng vì vậy luôn vắng lặng. Đầu năm 2014, Thương mang bầu sắp sinh, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hai bên giúp đỡ, tạo điều kiện cho vợ chồng mua được căn nhà cấp 4 bây giờ. Thương cho anh, tội cho Thỏ biển, vừa tròn tháng tuổi thì bố con đã phải xa nhau. Hôm nhận lệnh lên đường ra Hoàng Sa, em biết ảnh lo vì ở nhà chỉ hai mẹ con. Ảnh bảo, con đường anh đã chọn, anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chỉ thương mẹ con em ở nhà vất vả trăm bề. Rồi cũng chẳng lo được gì cho vợ con, anh lập tức có mặt tại đơn vị sau cuộc gọi điện ngắn gọn về quê “mẹ vô với cháu nhé, con đi Hoàng Sa!”. Khi tàu Kiểm ngư 764 của thuyền trưởng Ngô Trọng Hiếu kéo còi rời cảng cũng là lúc bà Lê Thị Thu Hà (mẹ anh Hiếu) lên tàu từ Thái Bình vào Đà Nẵng, nên mẹ con chưa được hội ngộ.

“Anh đi rồi thì có các thầy cô trong trường thường xuyên thăm hỏi, động viên, đỡ đần mẹ con em. Mọi người bảo, ảnh đi vì nước, em phải rắn rỏi lên, phải là hậu phương vững chắc cho anh yên tâm. Tất cả chúng ta phải là hậu phương để không chỉ Hiếu mà những người đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc hoàn thành nhiệm vụ cao cả”, Thương xúc động trước sự quan tâm của Ban Giám hiệu, Công đoàn trường nơi cô công tác. Rồi Thương chỉ lên bức tranh “Nỗi nhớ” do cô mới hoàn thành, giọng rắn rỏi: “Bức tranh này em mới hoàn thành đó. Đây là ba Hiếu canh giữ đảo, kia là mẹ Thương bồng bé Thỏ biển. Mẹ và Thỏ biển luôn ở bên ba Hiếu”.

Chị Thương viết vội mấy dòng gửi chồng ở Hoàng Sa.

Hậu phương vững chắc cho tiền tuyến can trường

Vừa nựng bé Thỏ biển, bà Hà góp chuyện với chúng tôi: “Bà không hiểu lắm về tình hình ngoài đó, về chiến tranh, nhưng nếu điều xấu nhất xảy ra, ba của Thỏ biển sẽ là người đầu tiên xung phong, vì đó là trách nhiệm với bản thân, với Tổ quốc thiêng liêng”. Mấy hôm xem tivi, báo đài nói về tình hình ngoài biển, nói về việc Trung Quốc dùng vòi phun nước áp lực cao tấn công tàu của lực chấp pháp và ngư dân Việt Nam, mẹ con bà Hà không sao ngủ được. Bà bảo không phải vì lo sợ mà vì thương con. Có hôm dọn cơm ra, bật tivi, thấy thông tin tàu Hải cảnh số hiệu 35101 Trung Quốc 2 lần phun nước vào tàu kiểm ngư 761 và 765. Rồi người trên tàu Hải cảnh 46014 của Trung Quốc có hành động ném đá, chai lọ sang tàu 764 của thuyền trưởng Ngô Trọng Hiếu, mẹ con bà không sao nuốt nổi. “Nhưng phải cứng rắn chú ạ. Mẹ con tôi lại động viên nhau, phải vững vàng lên, phải là chỗ dựa, là hậu phương vững chắc cho thằng Hiếu cùng đồng đội yên tâm bám biển, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”, bà Hà tự tin.

Những ngày này, thông tin tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng càng khiến mọi người nóng ruột. Cũng như mọi người con đất Việt, chị Thương, bà Hà vẫn theo dõi sát sao những thông tin được đưa trên báo, đài. Bà Hà khẳng định, bà tin tưởng công lý sẽ được thực thi, Trung Quốc phải rút giàn khoan, chấm dứt những hành động ngang ngược, khiêu khích và con bà cùng đồng đội, ngư dân Việt Nam sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của đất nước.

Vâng, hậu phương vững chắc cho tiền tuyến can trường. Hôm chúng tôi đến cũng là lúc Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển - nơi chị Thương công tác đến thăm, tặng quà, động viên mẹ con chị. Hiệu trưởng Phạm Minh Phúc xúc động: “Đây là cách thể hiện tình cảm của chúng tôi đối với anh Hiếu nói riêng và những người đang sát cánh cùng anh nơi đảo xa. Chúng ta phải là hậu phương vững chắc, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho anh Hiếu và đồng đội hoàn thành nhiệm vụ cao cả nơi sóng gió Hoàng Sa”.

Chia tay chúng tôi, chị Thương viết vội mấy dòng, bảo nếu nhà báo ra được Hoàng Sa, cố chuyển đến Hiếu để anh cùng đồng đội vững tâm hoàn thành nhiệm vụ: “Em cùng con luôn tin tưởng và bên anh. Anh và các anh em trên tàu cứ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng của Tổ quốc”.

Nhật Minh