Báo Công An Đà Nẵng

Thu hút đầu tư vào Quảng Nam: Quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng

Thứ bảy, 03/09/2016 08:43

(Cadn.com.vn) - Quảng Nam là tỉnh có nhiều Khu công nghiệp (KCN) nhất miền Trung với 8 nhóm khu kinh tế (KKT) ven biển trọng điểm của cả nước và 8 khu công nghiệp (KCN) và 87 Cụm công nghiệp. Đồng thời, những đóng góp của các doanh nghiệp (DN) trong các KCN cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là rất lớn. Trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Công an TP Đà Nẵng về việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”.

Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

P.V: Trong thời gian qua, Quảng Nam được cả nước biết đến như một “điểm sáng” trong thu hút đầu tư vào các KCN, vậy ông có thể cho biết những thành quả thu hút đầu tư của tỉnh đến thời điểm hiện nay?

Ông Đinh Văn Thu: Trong 5 năm qua (giai đoạn 2011-2015), Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiện nay, Quảng Nam có hơn 4.700 DN đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 400.000 lao động, đóng góp 90% nguồn thu ngân sách, trong đó các DN ngoài nhà nước đóng góp hơn 60%, từ hơn 5.000 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 15.000 tỷ đồng năm 2015; một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh đã tạo thương hiệu như: Ô-tô, giày da, may mặc, nước giải khát, điện thương phẩm,...

Cũng trong 5 năm qua, tỉnh đã thu hút 49 DN có vốn đầu tư nước ngoài, nâng số dự án FDI còn hiệu lực lên 127 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Trung ương và các nhà tài trợ, nhiều dự án ODA được triển khai xây dựng, tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển đô thị, xử lý môi trường, biến đổi khí hậu. Một số, dự án điển hình trong năm 2016 như: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An vốn đầu tư giai đoạn 1 là 500 triệu USD; dự án KCN cơ khí ô-tô Chu Lai – Trường Hải mở rộng với tổng số vốn 30.000 tỷ đồng; Nhà máy may, dệt, nhuộm PanKo Tam Thăng, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 30 triệu USD; Nhà máy sản xuất hàng may mặc One Woo Hàn Quốc, vốn đầu tư 6 triệu USD... Với những kết quả đã đạt được, Quảng Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trong những năm tiếp theo.

P.V: Được biết, KCN Tam Thăng chỉ sau 1 năm đưa vào hoạt động đến nay cơ bản đã lấp đầy, thậm chí không đủ diện tích để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư buộc tỉnh phải từ chối một số dự án. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Đinh Văn Thu: KCN Tam Thăng Là một trong 5 KCN thuộc KKT mở Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 750 ha, trong đó giai đoạn 1 là 200 ha. Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Tam Thăng được khởi công xây dựng từ tháng 3-2015, đến nay, tổng diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN Tam Thăng mới đạt khoảng 90ha với 10 DN đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký 200 triệu USD. Trong đó, có 6 DN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (135 triệu USD và 40 tỷ VND vốn đăng ký) với 3 nhà máy đã đi vào hoạt động. Hiện nay KCN Tam Thăng đang đối diện với hai khó khăn lớn, đó là chưa đáp ứng hết nhu cầu về mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án và khả năng sẽ thiếu hụt nguồn lao động, vì vậy, vừa qua, chúng tôi đã phải từ chối một số dự án vào đây.

P.V: Hiện tại, Quảng Nam đang hướng tới “tỉnh công nghiệp” đến năm 2020 vậy mục tiêu này, theo ông có thành hiện thực không?

Ông Đinh Văn Thu: Trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với nền kinh tế, tỉnh Quảng Nam cũng không năm ngoài quy luật này. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra, đạt được các tiêu chí tỉnh công nghiệp, Quảng Nam đã tập trung xây dựng và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp, đó là tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất; thực hiện có hiệu quả ba nhiệm vụ đột phá, chiến lược: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực; tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ DN; tăng cường công tác bảo vệ môi trường; bảo vệ an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động đề ra những giải pháp và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, tạo điều kiện cho DN đầu tư vào Quảng Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm.

Với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và quyết tâm cao, tin rằng Quảng Nam sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, trở thành tỉnh khá của cả nước, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

P.V: Trước thực trạng  nhiều dự án liên quan đến môi trường tại miền Trung, trong khi đó, Quảng Nam là địa phương miền Trung có nhiều KCN ven biển liệu có tác động đến môi trường không thưa ông và trong thời gian đến Quảng Nam chuyển dịch thu hút đầu tư theo hướng nào?

Ông Đinh Văn Thu: Một trong những tiêu chí quan trọng của việc thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Quảng Nam là các dự án phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường, công nghệ và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Chúng tôi xác định không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Vì vậy,  Quảng Nam quyết tâm từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ tiếp tục quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án công nghiệp quy mô lớn, ở ven biển và các khu đông dân cư; lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình đầy đủ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, nhất là nội dung về công nghệ, đánh giá tác động môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh và theo hướng phát triển bền vững; kiên quyết xử lý và không cấp phép cho các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và hội nhập của nền kinh tế Quảng Nam.

Để hướng đến một môi trường đầu tư bền vững, Quảng Nam đã từng bước đề ra những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả, mục đích nhằm thu hút những dự án đầu tư lớn và đảm bảo đầy đủ các yếu tố không gây ảnh hưởng đến môi trường, cụ thể là: Tỉnh đã rà soát quỹ đất, kiên quyết thu hồi đất của các dự án không triển khai hoặc không có kế hoạch triển khai xây dựng để giao cho nhà đầu tư mới; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DN, đặc biệt trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, thành lập DN, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... qua đó đã từng bước tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao tinh thần thái độ phục vụ cho công dân và DN.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với DN để lắng nghe, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN khi triển khai thực hiện dự án đầu tư.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xuân Đương
(thực hiện)