Báo Công An Đà Nẵng

Thu hút sinh viên với chương trình đào tạo gắn với thực tiễn

Thứ tư, 09/12/2020 06:24

Từ 3 năm nay, Trường ĐH Đà Lạt đã trở thành địa chỉ lựa chọn của sinh viên khu vực miền Trung, Tây Nguyên cho tới các tỉnh Nam Trung bộ. Riêng năm học 2020- 2021, trường Đại học này đã tuyển sinh được hơn 98% so với chỉ tiêu đặt ra. Nguyên nhân được cho là nhờ chất lượng đào tạo ngày càng gần gũi với thực tiễn cuộc sống, nên tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao.

Đại học Đà Lạt đào tạo 33 ngành học, trong đó Luật được coi là ngành "xương sống" của trường, bởi ngoài giảng dạy trong nhà trường. Chỉ trong 17 năm kể từ khi được thành lập, khoa Luật đã đào tạo được gần 20.000 sinh viên cả hệ chính quy và vừa học, vừa làm. So với các trường đào tạo ngành Luật trong cả nước, bắt đầu từ khóa 44 (năm học 2020- 2024), khoa Luật ĐH Đà Lạt trở thành cơ sở đào tạo ngành Luật đầu tiên của cả nước được kiểm định chất lượng theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, khoa Luật Đại học Đà Lạt có bộ môn học "độc nhất vô nhị", đó là môn "Luật tục", chưa có cơ sở đào tạo ngành Luật nào trên cả nước đào tạo ngành này.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Giảng viên khoa Luật Đại học Đà Lạt cho biết: Tây Nguyên là địa bàn cư trú truyền thống của nhiều cộng đồng tộc người thiểu số, trong đó có các dân tộc tại chỗ như: người Cơ Ho, Mạ, Churu, M'Nông, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai... Các cộng đồng tộc người thiểu số Tây Nguyên có đời sống văn hóa đặc sắc dựa trên phong tục, tập quán ngàn đời lưu truyền trong lịch sử. Nhiều phong tục tập quán mang đặc tính tộc người nói chung và ở từng địa bàn cư trú cụ thể được chọn lọc làm cơ sở pháp lý để tổ chức, quản lý dân cư trong cộng đồng.

Cùng với pháp luật của Nhà nước, luật tục cũng góp phần tổ chức và quản lý dân cư ổn định, phát triển. Luật tục bảo vệ sự bình yên trong gia đình, cấm việc bỏ chồng, bỏ vợ, ngoại tình. Nếu vợ chồng bỏ nhau sẽ bị phạt 1 con trâu; nếu cãi cọ hoặc đánh nhau, gia đình và dòng họ phân xử, báo cáo lên già làng sẽ bị phạt 5 con gà và 1 ché rượu cần... Hoặc trong vấn đề bảo vệ môi trường, mỗi phạm vi buôn làng Tây Nguyên có 4 loại rừng. Trong đó có một khu rừng thiêng, cấm tuyệt đối mọi thành viên và người ngoài xâm phạm. Luật tục quy định nghiêm ngặt việc bảo vệ nguồn tài nguyên này và môi trường sinh thái: Cho phép săn bắn, kiếm củi ở rừng thiêng, nhưng nếu làm cháy rừng, đốn cây to đều bị phạt 1 con dê hoặc 1 con heo lớn...

Theo khảo sát của nhà trường, hầu hết, các sinh viên khoa Luật ra trường đều có việc làm trong các cơ quan nhà nước, hệ thống chính quyền hoặc các doanh nghiệp, văn phòng Luật...

C.Q.H