Báo Công An Đà Nẵng

Thủ khoa môn Văn - Trần Thị Nhân Duyên: “Học Văn giúp em trưởng thành hơn”

Thứ tư, 11/07/2018 09:17

Trong danh sách thủ khoa các môn thi THPT Quốc gia 2018 do Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cung cấp, tôi đặc biệt chú ý đến cái tên Trần Thị Nhân Duyên (SBD 04008203) đạt 9,5 môn Ngữ  Văn. Qua Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh, tôi có được số điện thoại của em. Liên hệ trò chuyện thì Nhân Duyên ngại ngùng từ chối, thuyết phục mãi em mới nhận lời...

Thủ khoa môn Văn Trần Thị Nhân Duyên bên góc học tập của mình. Ảnh: P.T

Ngoan hiền, sâu sắc, khiêm nhường, đó là những gì tôi cảm nhận được ở cô nữ sinh 18 tuổi này. Nhân Duyên cho biết, em rất ngại xuất hiện trên báo chỉ vì sợ bị áp lực. Khi tôi cho biết em còn là Á khoa môn Giáo dục công dân, Nhân Duyên cười hiền lành và thú thật rằng, làm xong bài thi em cũng ước chừng mình đạt trên 9 điểm ở môn thi này.  

Là HS lớp 12/21 chuyên Văn Trường THPT Phan Châu Trinh, nhận xét về đề thi Văn năm nay, Nhân Duyên cho rằng, phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội ra theo hướng mở rộng, tích hợp liên môn, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội, tránh hiện tượng học tủ, học vẹt mẫu. Với em, đề khá hay và có sự phân tầng phổ điểm. “Chỉ cần các bạn chú tâm nghe thầy cô giảng bài ở lớp là có thể trả lời và có điểm ở phần đọc hiểu”. Tuy nhiên, cũng theo Nhân Duyên, để đạt điểm cao ở phần đọc hiểu- nghị luận xã hội là không dễ đối với những bạn có học lực từ trung bình trở xuống.

Về phần nghị luận văn học, Duyên cho rằng hơi khó kể cả với bản thân em. Theo đó, với những bạn quen học theo lối văn mẫu, văn tủ sẽ không dễ dàng gì khi làm ở câu này. Nhìn tổng thể, theo Nhân Duyên, đề Văn năm nay tuy khó hơn năm ngoái thật nhưng là một đề hay, có sự phân hóa rõ rệt. “Khi dạy, các thầy cô vẫn khuyên chúng em không cứ nhất thiết ôm đồm, đưa hết vào bài, chỉ cần bám sát nội dung đề yêu cầu, lập ra được những luận điểm chính, những ý vững chắc nhất để làm bài là ổn”. Cũng theo Nhân Duyên, khi làm bài, các bạn cần lưu ý yêu cầu về mặt thời gian. Theo đó, một đề thi cho phép thí sinh làm trong thời gian 120 phút thì yêu cầu đòi hỏi cũng như cách chấm điểm cũng phải khác so với đề thi có thời gian làm bài 150-180 phút. 

Duyên chia sẻ, người đầu tiên phát hiện và truyền cho em tình yêu, sự đam mê đối với môn Văn là thầy Tôi - Tổ trưởng bộ môn Văn trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, nơi em theo học suốt 4 năm THCS. Duyên kể: “Khi còn học lớp 8, em học chuyên Toán thôi, không thích Văn mấy. Cho đến kỳ thi học kỳ II lớp 8, khi chấm bài thi môn Văn của em, thầy Tôi phát hiện em có tố chất học tốt môn này nên đã nói với cô giáo dạy Văn “phải đưa HS này vào đội tuyển chuyên Văn của trường”. Sau đó, cô giáo dạy Văn gặp và khuyên em rằng: “Em sẽ thấy yêu thích môn Văn nếu em cho mình một cơ hội”. Em nghe theo lời khuyên này”. Nhân Duyên cho biết,

“Học Văn không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn, cho em nhiều kiến thức hiểu biết mà còn giúp em trưởng thành hơn. Theo em, học Văn cũng chính là học cách làm người. Mình đã thật sự may mắn khi được học những thầy cô có kiến thức sâu rộng, lại tâm huyết với nghề. Nghe các thầy cô giảng bài, em bị cuốn hút. Rời khỏi lớp học mà kiến thức vẫn còn đọng mãi, không hề phai đi”, Nhân Duyên tâm sự.

Trong suốt buổi trò chuyện, em nhắc nhiều đến các thầy cô ở cấp THCS, THPT - những người đã phát hiện và truyền ngọn lửa đam mê môn Văn, nhất là hai cô giáo dạy Văn lớp 12 Nguyễn Thị Thúy Diễm và Đỗ Thị Cẩm Nhung. Bên cạnh truyền dạy những kiến thức, các thầy cô còn truyền cho em niềm đam mê đọc sách. “Em nghĩ, nếu người học giỏi Văn mà nói không đọc sách là rất sai lầm. Sách không chỉ cho mình kiến thức mà còn cho chúng ta tư duy đa chiều, tư duy phản biện cùng nhiều góc nhìn mới mẻ khác”, Duyên bộc bạch.

Ngoài thầy cô và sách, Duyên cho biết thêm, em còn học được rất nhiều điều hay từ bạn bè trong lớp. Chính những tư duy mới, lạ, đầy sáng tạo của các bạn đã giúp cho em có cái nhìn đa chiều hơn. Em tâm sự thích được học Văn theo hướng phản biện, được bày tỏ quan điểm, có góc nhìn, không thích học theo kiểu học văn mẫu, văn tủ. Và em thấy mình thật may mắn, hạnh phúc khi được học với các thầy cô luôn khuyến khích HS học Văn theo hướng phát huy sự sáng tạo, bàn luận, thể hiện tư duy phản biện.

Tự nhận mình sống rất lạc quan, Duyên chia sẻ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần sống tích cực. “Cô Diễm có một lời khuyên rất hay. Nếu cứ nhìn cuộc đời buồn bã, chỉ thấy toàn mặt tiêu cực thì thật là chán và không có động lực để phấn đấu, để cống hiến. Phải tìm thấy những mặt tích cực mới có thể cống hiến, mới phấn đấu, sống có ích cho mình và cho cuộc đời được”, Duyên cho biết.

Hay tin con gái đầu đạt thủ khoa môn Văn, chị Nhân Nghĩa- mẹ Nhân Duyên- xúc động tâm sự: “Cháu ngoan, hiền, có ý thức tự giác rất cao. Từ nhỏ đến lớn, cháu chưa khi nào khiến vợ chồng tôi phải lo lắng. Không những ngoan hiền, cháu còn là người biết nghĩ, biết sẻ chia với sự vất vả của cha mẹ. Vợ chồng tôi kinh doanh buôn bán nên nhiều lúc cháu tự nấu cơm cho mình và cho hai em ăn. Cháu không thích đua đòi, sống rất tiết kiệm. Đó là điều vợ chồng tôi mừng nhất!”.

Mong muốn được tham gia làm công tác xã hội trong các tổ chức phi chính phủ và đam mê được nghiên cứu chuyên sâu trên lĩnh vực Văn học, Duyên đăng ký xét tuyển vào ngành Quốc tế học Trường ĐH Ngoại ngữ và cử nhân Văn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Với Nhân Duyên, con đường tiếp cận tri thức vẫn còn dài ở phía trước. Và dù theo học ngành nào thì với em mục tiêu lớn nhất của cuộc đời chính là sống có ích với chính mình, với xã hội.

P.THỦY