Thủ phạm đằng sau các "hố tử thần" ở Hàn Quốc

Korea Times đưa tin: Sự cố "hố tử thần" gần nhất tại Hàn Quốc xảy ra vào sáng 14-4, gần công trường xây dựng mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở quận Sasang, thành phố Busan. Hai hố sụt - một hố rộng 3 m và sâu 2 m, một hố rộng 5 m và sâu 3 m - cách nhau chỉ 200 m và xuất hiện cách nhau một ngày. Trong 3 năm qua, Busan chứng kiến khoảng 14 vụ việc tương tự.
Trước đó, chiều 11-4, khu vực Gwangmyeong, tỉnh Gyeonggi ghi nhận vụ sập công trường xây dựng tàu điện ngầm. Khu vực thủ đô Seoul cũng không ngoại lệ. Theo các văn phòng an toàn và khẩn cấp, ngã tư quận Gangdong có một hố sụt vào hôm 13-4. Điều đáng chú ý là hồi tháng 3, cách đó khoảng 3 km cũng bất ngờ có một hố sụt rộng 20 m, sâu 20 m, cướp đi sinh mạng của một người đi xe máy. Đây là "hố tử thần" thứ ba tại quận Gangdong trong thời gian gần đây, tính cả một hố sụt khác gần một trường tiểu học hồi đầu tháng 4. Trong khi đó, tại quận Mapo của Seoul, một hố sụt khác - rộng 40 cm và sâu 1,3 m - xuất hiện vào sáng 13-4.
Một loạt hố sụt xuất hiện trên khắp Hàn Quốc trong thời gian gần đây làm dấy lên mối lo ngại ngày càng lớn về tính an toàn trong các dự án xây dựng ngầm. Nguyên nhân chính gây ra sụt lún là phát triển hệ thống ngầm quá mức, vỡ đường ống cấp nước và thoát nước cũ, rò rỉ nước ngầm và mất ổn định mặt đất. Dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 30% đường ống thoát nước thải ở thủ đô Seoul đã có dấu hiệu xuống cấp do đã có tuổi đời hơn 50 năm. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến một loạt sự cố sụt lún và "hố tử thần" xảy ra tại thành phố này trong thời gian qua.
Báo cáo do chính quyền đô thị Seoul trình lên Quốc hội cho thấy, hiện có 3.300 km, tương đương khoảng 30,4% trong tổng số 10.866 km đường ống cống của Seoul đã được sử dụng trong hơn 50 năm, tính đến tháng 12-2023. Theo dữ liệu do Bộ Giao thông Hàn Quốc cung cấp, 394 trường hợp sụt lún hoặc hố tử thần, chiếm 45,5% trong số 867 trường hợp được báo cáo trong vòng 5 năm qua ở Seoul, là do đường ống cống xuống cấp hoặc bị hư hỏng.
Hệ thống đường ống cống thường có tuổi thọ từ 30 - 50 năm nhưng một phần đáng kể mạng lưới cống ngầm của thủ đô Seoul đã được sử dụng quá thời gian này. Đặc biệt, tại các khu phố cũ và khu dân cư đông đúc, hệ thống cống ngầm cũ được xem là yếu tố chính gây ra tình trạng sụt lún đất liên tục thời gian qua.
Xét theo khu vực, quận Jongno ở Seoul có tỷ lệ đường ống cống trên 30 năm cao nhất thành phố, ở mức 66,3%. Tiếp theo là quận Dobong 66,2%, quận Yongsan 65,2%, quận Yeongdeungpo 63,6% và tại quận Seocho 63,2%. Ống cống cũ khiến nước dễ thấm qua các lỗ và vết nứt, cuốn trôi đất và tạo ra khoảng trống, khiến mặt đất bị sụt xuống.
Để ứng phó với hàng loạt sự cố sụt lún đất, chính quyền Seoul có kế hoạch thăm dò radar xuyên đất để kiểm tra nguy cơ sụt lún đất tại các công trường xây dựng lớn ở thủ đô.
B.N