Báo Công An Đà Nẵng

Thử thách khi Mỹ “nói không” với CPTPP

Thứ năm, 03/01/2019 09:51

Vậy là cuối cùng, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính thức có hiệu lực, tạo ra khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới.       

Đối với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore, thỏa thuận thương mại lớn đã có hiệu lực. Vòng cắt giảm thuế đầu tiên sẽ diễn ra ngay lập tức. Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 7 tham gia vòng tròn này vào ngày 14-1. Trong khi đó, 4 quốc gia khác là Brunei, Chile, Malaysia và Peru vẫn chờ chính phủ của họ phê chuẩn thỏa thuận. Có thể thấy, đây là nỗ lực lớn, thành công lớn của các nước tham gia. Còn nhớ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời hứa rút khỏi TPP ngay lập tức sau khi nhậm chức, hầu hết ai cũng nghĩ TPP sẽ “chết yểu”. Nhưng 1 năm sau đó, mọi việc đã thật sự khác.

Tuy nhiên, việc không có sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đặt ra cho CPTPP nhiều thách thức và được ví như một cuộc hôn nhân thiếu “cô dâu” bởi Mỹ là thị trường cao cấp, giàu có, với sức mua lớn nhất. Chính khả năng tiếp cận tối đa vào thị trường Mỹ là yếu tố để chính quyền Mỹ trước đây thu hút các nước khác vào TPP, dù đôi khi còn phải dùng đến chiêu thức ép buộc. Trên thực tế, giữa kế hoạch ban đầu được trù định 10 năm trước và những gì chúng ta đang thấy bây giờ thật sự ít có điểm chung.       

Nhưng ngay cả khi không có Mỹ, hiệp ước mới vẫn nằm trong số các thỏa thuận thương mại đa phương lớn nhất từng được ban hành. Các quốc gia CPTPP chiếm 14% GDP thế giới. Ngoài việc hạ thấp các rào cản thương mại giữa các quốc gia, thỏa thuận này còn bao gồm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhiều hơn, một phần trong thỏa thuận mà Mỹ đấu tranh rất nhiều.

Có thể nói, việc không tham gia CPTPP có thể đặc biệt tồi tệ đối với nông dân Mỹ. Bởi nếu Mỹ tham gia thỏa thuận, xuất khẩu thịt heo, thịt bò và lúa mì sang các nước như Nhật Bản và Singapore sẽ tăng. Bây giờ, thay vào đó, Mỹ sẽ kém cạnh tranh hơn, vì xuất khẩu các sản phẩm đó đến các nước thành viên CPTPP giờ đây sẽ rẻ hơn ở các thị trường như vậy. Viện kinh tế quốc tế Peterson phi lợi nhuận ước tính, tổng GDP của các nước tham gia sẽ tăng khoảng 1%, với mức tăng lớn nhất đối với Việt Nam và Peru. Họ cũng ước tính, trong khi tổng thu nhập của Mỹ sẽ tăng khoảng 130 tỷ USD do thỏa thuận này, họ hiện đang mất khoảng 2 tỷ USD vì xuất khẩu của Mỹ sẽ kém cạnh tranh hơn ở các quốc gia CPTPP.

THANH VĂN