Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Thi trước, đăng ký xét tuyển sau nhằm tránh rủi ro cho thí sinh điểm cao mà vẫn trượt
(Cadn.com.vn) - Năm nay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ liên quan chủ yếu đến việc xét tuyển và chỉ tiêu của những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Từ ngày 20 đến 31-7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển đơn giản nhất, phù hợp nhất để các trường dễ áp dụng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.
Theo kế hoạch, từ ngày 1-8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1. Sau đây là những thông tin mà chúng tôi cập nhật được từ GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT xung quanh quy trình xét tuyển ĐH, CĐ năm đầu tiên của lộ trình đổi mới này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. |
P.V: Xin Thứ trưởng cho biết dự báo phổ điểm thi đại học năm này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đề thi năm nay nhằm 2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp THPT và vừa để xét ĐH, CĐ nên cấu trúc đề thi gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại. Rõ ràng với cấu trúc đó thì đề thi năm nay khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT nhưng dễ hơn đề thi ĐH năm ngoái. Vì vậy, chúng ta có thể hình dung được là đỉnh phổ điểm sẽ dịch chuyển về phía cao hơn so với phổ điểm thi ĐH năm ngoái và sẽ phân bố đều từ thấp đến cao, không bị dốc.
Thực ra kết quả điểm thi của thí sinh chỉ là tương đối vì phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi. Mọi năm đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu đánh giá kiến thức cơ bản còn năm nay đề thi chỉ có khoảng 60% kiến thức cơ bản, còn lại kiến thức nâng cao, khó hơn. Như vậy mọi năm thí sinh thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao dễ dàng hơn năm nay.
Còn việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, sau khi có kết quả thi, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ sẽ họp để tư vấn cho Bộ Trưởng quyết định điểm ngưỡng tối thiểu để tuyển sinh ĐH, CĐ. Do thí sinh có kết quả rồi mới tham gia xét tuyển nên các trường sẽ quy định ngưỡng nhận hồ sơ, nguồn tuyển sẽ phân khúc rõ ràng giúp cho thí sinh dễ định hướng được trường, ngành để nộp đơn xét tuyển nhằm tránh rủi ro.
P.V: Tính công bằng khi cộng điểm ưu tiên khu vực thể hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các chế độ ưu tiên này đã thực hiện từ rất nhiều năm nay. Mức độ ưu tiên giảm dần khi sự chênh lệch về điều kiện kinh tế-xã hội giữa các khu vực được rút ngắn. Trong thực tế quy định về ưu tiên những năm gần đây đã được điều chỉnh và cập nhật kịp thời theo các văn bản mới của nhà nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Ví dụ một số địa phương thoát nghèo, một số thị xã được công nhận thành phố, một số thành phố được công nhận thành phố trực thuộc trung ương... thì điểm ưu tiên tuyển sinh của những thí sinh ở các địa phương này cũng đã được cập nhật, điều chỉnh.
P.V: Thưa Thứ trưởng, việc thi xong mới xét tuyển khác với những năm trước đây, như vậy thí sinh được lợi gì?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước hết, quy định thi trước đăng ký xét tuyển sau nhằm tránh rủi ro cho thí sinh khi điểm cao mà vẫn trượt. Tuy nhiên để được trúng tuyển vào trường, ngành mình yêu thích thí sinh cần nắm vững quy chế xét tuyển, phải hiểu năm nay nguồn tuyển được phân khúc rất rõ ràng. Các trường sẽ đặt ra ngưỡng để nhận hồ sơ xét tuyển nên chỉ những thí sinh đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu của trường mới nộp hồ sơ. Thứ hai là thí sinh được chọn 4 nguyện vọng của đợt xét tuyển đầu tiên và các nguyện vọng này có giá trị xét tuyển như nhau đối với nhà trường. Quy định này cũng nhằm tránh rủi ro cho thí sinh khi có điểm cao nhưng chẳng may chọn ngành không đúng thứ tự ưu tiên nên bị rớt.
Để tận dụng hết những ưu thế của kết quả thi đạt được, thí sinh cần lưu ý cân nhắc cẩn thận việc chọn ngành, trường vì một khi các em đã trúng tuyển rồi thì không được phép nộp đơn xét tuyển các đợt tiếp theo. Để giúp các em lỡ chọn trường, ngành chưa phù hợp, quy chế cho phép các em được thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ nộp trường khác trong thời gian xét tuyển đợt 1 và cấp cho các em 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển các đợt tiếp theo. Tất cả những quy định đó đều nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được trúng tuyển vào ngành, trường mà các em yêu thích.
P.V: Nguyên tắc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đối với các trường có đề án tự chủ tuyển sinh thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã nêu trong đề án và đã được công bố công khai. Đối với những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì sau khi có kết quả thi, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ sẽ họp để tư vấn cho Bộ trưởng quyết định ngưỡng tối thiểu để tuyển sinh ĐH, CĐ. Các trường dựa vào ngưỡng này để thông báo điều kiện xét tuyển vào các ngành khác nhau của trường mình. Do năm nay các trường tự chủ đưa ra các tổ hợp xét tuyển rất đa dạng nên việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ phức tạp hơn.
Theo quy chế, các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để tuyển sinh theo các khối thi truyền thống. Với kinh nghiệm xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dựa vào phân tích phổ điểm kết quả thi của thí sinh năm ngoái, Hội đồng có thể đưa ra nguyên tắc chung để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau. Theo kế hoạch, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp trong khoảng từ 20 đến 31-7.
P.V: Xin Thứ trưởng cho biết các trường không cập nhật thông tin tuyển sinh thì sẽ bị xử lý thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo quy định, các trường ĐH, CĐ đều phải công khai những thông tin đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra trên trang thông tin điện tử của trường. Việc lập trang thông tin điện tử không có gì khó khăn nên trường nào cũng làm được. Quy định bắt buộc các trường phải cập nhật dữ liệu tuyển sinh 3 ngày 1 lần trên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh theo dõi khả năng trúng tuyển của mình mà quyết định có thay đổi việc nộp hồ sơ xét tuyển hay không trong đợt xét tuyển đầu tiên. Điều quan trọng là thí sinh phải theo dõi thông tin của trường mình đã nộp hồ sơ để biết tình hình mà kịp thời quyết định. Quy chế xét tuyển đã quy định việc cập nhật dữ liệu tuyển sinh nên trường nào không thực hiện là vi phạm quy chế và bị xử lý theo quy định.
P.V: Từ phổ điểm thi, xin Thứ trưởng cho nhận xét về đặc thù xét tuyển năm nay?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đề thi năm nay có tính phân hóa rất rõ rệt, thang điểm chi tiết đến 0,25 nên điểm thi của thí sinh dự báo sẽ rải đều. Những năm trước đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ dùng với mục đích tuyển sinh nên đỉnh phổ điểm thường nằm ở phía điểm thấp. Năm nay đề thi với hai mục đích nên đỉnh phổ điểm sẽ nằm ở phía điểm cao hơn nhưng không bị dốc.
Mặt khác năm nay quy chế quy định thí sinh đã trúng tuyển vào một ngành, trường rồi thì không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng tiếp theo nên sẽ không xảy ra trường hợp thí sinh trúng tuyển rồi lại rút hồ hơ nộp vào trường khác. Do đó các trường dễ cân chỉnh điểm trúng tuyển để gọi thí sinh nhập học theo chỉ tiêu quy định, không phải lo lắng.
Thúy Hồng
(thực hiện)