Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Anh chấp nhận từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền

Thứ sáu, 08/07/2022 14:05
Thủ tướng Anh Boris Johnson rời văn phòng ở số 10 phố Downing, London hôm 5-7. Ảnh: AFP

Ngày 7-7, nhiều trang tin, tờ báo ở Anh đưa tin Thủ tướng Boris Johnson đã đồng ý từ chức, qua đó chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở nước này. BBC đưa tin: "Ông Boris Johnson sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ông tiếp tục làm thủ tướng cho đến mùa thu". Theo BBC, một cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ diễn ra mùa hè này và người chiến thắng sẽ thay thế ông Johnson vào tháng 10.

"Tin tốt lành cho đất nước"

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chấp nhận từ chức trong bối cảnh hàng chục thành viên chính phủ của ông rút khỏi nhiệm sở để phản đối nhà lãnh đạo này. Theo Reuters, từ ngày 5-7 đến nay, đã có 54 quan chức trong Chính phủ Anh từ chức để bày tỏ sự không ủng hộ đối với ông Johnson. Nhiều nghị sĩ Anh cũng đã yêu cầu ông Johnson từ chức vì quyền lợi quốc gia và quyền lợi của đảng Bảo thủ.

George Freeman, người tuyên bố từ chức Bộ trưởng Khoa học sáng 7-7, cho rằng ông Johnson phải xin lỗi Nữ hoàng Elizabeth và khuyên bà bổ nhiệm thủ tướng lâm thời ngay lập tức. "Thủ tướng lâm thời cần được bổ nhiệm ngay hôm nay để các bộ trưởng có thể trở lại làm việc và chúng tôi có thể chọn một lãnh đạo mới của đảng nhằm nỗ lực, khắc phục thiệt hại và xây dựng lại lòng tin", ông nói.

Ông Ed Davey, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Anh, mô tả việc ông Johnson từ chức nhưng vẫn làm thủ tướng là "lố bịch". "Người đàn ông này chưa bao giờ quan tâm đến bất cứ điều gì trong cuộc sống của mình", ông đăng trên Twitter. Thậm chí, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer nói rằng, ông Johnson từ chức là "tin tốt lành cho đất nước", đồng thời nhân cơ hội này kêu gọi "thay đổi chính phủ sau 12 năm trì trệ và những lời hứa suông của đảng Bảo thủ". Theo ông Starmer, Thủ tướng Johnson "luôn luôn không phù hợp với chức vụ" và phải chịu trách nhiệm về "những lời nói dối, bê bối và gian lận".

Không còn lựa chọn nào khác

Thủ tướng Anh gần đây phải đối mặt với hàng loạt bê bối cùng những chỉ trích vì mở tiệc tùng, vi phạm các quy định phòng chống dịch giữa lúc Anh phong tỏa ngăn COVID-19 hồi năm 2020. Sức ép với ông Johnson tăng thêm khi các nhà kinh tế dự đoán nước này có nguy cơ bước vào thời kỳ suy thoái vì những bất ổn hiện nay liên quan đến tình trạng lạm phát và khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu. Trong tranh cãi mới nhất, ông Johnson đã phải xin lỗi vì bổ nhiệm một nhà lập pháp vào một vị trí quan trọng trong đảng Bảo thủ, ngay cả sau khi được thông báo rằng chính trị gia này là đối tượng bị khiếu nại về hành vi sai trái tình dục.

Trong đơn từ chức, các quan chức giải thích cho quyết định của mình là do "mất niềm tin vào chính phủ". Quyết định từ chức của các bộ trưởng đã làm suy yếu nền tảng ủng hộ với Thủ tướng Johnson ngay bên trong đảng Bảo thủ, khiến con đường phía trước của ông trở nên chông gai hơn bao giờ hết. Sự ủng hộ trong nội các từng là một phần sức mạnh của Thủ tướng Johnson, bất chấp những sóng gió chính trị ông gặp phải.

Nhưng việc hàng loạt các bộ trưởng quyết định "ra đi" khiến Thủ tướng Johnson giờ đây không còn là "người bất khả chiến bại", danh tiếng mà ông đã xây dựng được sau chiến thắng bầu cử vang dội hồi năm 2019, điều giúp ông vượt qua mọi bê bối cho đến nay. Áp lực lớn từ chính Nội các đã khiến ông Johnson không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải ra đi. "Tôi không thấy bất kỳ cánh cửa nào có thể giúp ông ấy vượt qua sóng gió lần này. Tình hình giống như đã đến bước đường cùng", Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary, London, nhận xét. "Đơn từ chức của các bộ trưởng đã tạo ra những lỗ hổng lớn khó vá lại trong nội các".

"Đảng Bảo thủ vẫn còn rất nhiều người có thể cống hiến cho đất nước chúng ta. Đã đến lúc có một khởi đầu mới", Mark Harper, chủ tịch Nhóm các nghị sĩ Bảo thủ, viết trên Twitter sau quyết định từ chức của nhiều bộ trưởng.

AN BÌNH