Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ: Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng

Thứ hai, 11/11/2019 14:46

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công tư thì cả nhà nước và nhà đầu tư, người dân đều có lợi, dân có thể giàu có hơn. Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng.

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư: Các bên đều có lợi

Theo Thủ tướng Chính phủ, Luật PPP ra đời là rất cấp bách. Thủ tướng nêu ví dụ, trong lĩnh vực điện lực, Nhà nước độc quyền truyền tải điện. Tuy vậy khi làm đường dây, nhiều người muốn làm, làm xong khấu hao trả lại cho họ, chứ anh độc quyền cả đầu tư thì làm sao được? Cần làm thế nào để nhà đầu tư thấy thị trường tốt, Nhà nước không cần bảo lãnh.

“Dự án Luật PPP có phân cấp rất mạnh song cũng nên có sự giám sát, thường trực. Nếu có 1 nhà đầu tư thì chỉ định, còn 2 nhà đầu tư trở lên thì đấu thầu. Luật này nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định những nội dung cụ thể” – Thủ tướng nhấn mạnh.

ảnh 1Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cũng nhận định, hợp đồng đối tác công tư rất quan trọng, phải được quy định cụ thể trong luật với những điều khoản cơ bản, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng 1 kiểu.

Bên cạnh đó, cần làm rõ dự án có mục tiêu là gì, đóng góp công tư thế nào, đặc biệt phải có quy định đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch.

Cần cân nhắc mức đầu tư tối thiểu dự án PPP là 200 tỷ đồng

Về mức đầu tư tối thiểu dự án PPP, theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Dự thảo quy định mức 200 tỷ đồng.  “Dự án PPP gồm nhiều lĩnh vực nên phải phân ra, quy định mức tối thiểu cho từng lĩnh vực một” – Đại biểu Bình nói.

Cũng liên quan đến nội dung này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc quy định quy mô mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng. Bởi lẽ, có lĩnh vực thì số tiền này là thấp, nhưng có lĩnh vực thì số tiền này là quá lớn, do đó nên ủy quyền cho Chính phủ quy định” – đại biểu đề nghị.

Đại biểu Ngân cũng cho rằng, không nên giới hạn lĩnh vực đầu theo phương thức PPP. Theo ông, nên bổ sung một số lĩnh vực khác cũng cần đầu theo phương thức PPP như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...

Tham gia thảo luận, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, phải xác định rõ khi nào dự án cần đưa vào đầu tư PPP. Với những dự án chỉ có thể đầu tư công mà cố đưa vào đầu tư PPP sẽ có rủi ro. Mặt khác, nếu chỉ đưa ra tiêu chí vốn (200 tỷ đồng trở lên) thì không đầy đủ nên cần bổ sung thêm tiêu chí khác. Hơn nữa mức vốn cần đa dạng hóa hơn đối với từng lĩnh vực.

 Còn theo Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP Hồ Chí Minh), việc giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP thì phù hợp hơn.

 “Trước đây 1 tỷ đồng mua được một căn hộ, nhưng bây giờ cần số tiền nhiều hơn. Dự án Luật quy định 200 tỷ đồng là phù hợp với thời điểm hiện tại nhưng sau này sợ đồng tiền mất giá sẽ kéo theo nhiều thứ” – Đại biểu Quốc lo ngại.

Ông cũng nhấn mạnh, khi làm dự án PPP sẽ “động” tới đất đai, công ăn việc làm, cuộc sống của người dân nên trước khi kí hợp đồng cần lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động. Những ý kiến này là một trong những yếu tố đưa vào hợp đồng hợp tác công tư để đảm bảo quyền lợi của người dân bị tác động.

Theo ANTĐ