Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Không để người dân sống màn trời chiếu đất, đói cơm lạt muối, bệnh tật sau lũ

Thứ hai, 02/11/2020 12:35

Chiều 1-11, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với các bộ, ngành trung ương và bốn tỉnh, thành (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn. Tham dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, LĐ-TB&XH, GT-VT, Công Thương, Xây dựng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc. 

Bão số 9 gây thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong buổi làm việc là bàn biện pháp thiết thực để xử lý tình hình khi mà thiệt hại về người và tài sản sau thiên tai quá lớn, hiện vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Cảnh “màn trời chiếu đất” của người dân vẫn đang đặt ra yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa, vẫn có nơi còn bị cô lập, trẻ em chưa thể đến trường.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn nhằm ổn định đời sống người dân. Các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án khắc phục tình hình khó khăn rất lớn hiện nay. “Trước tình hình bão lũ lớn như thế, địa chất công trình thay đổi thì về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủi đó. Các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị khẩn trương vào cuộc, để làm sao sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường”, Thủ tướng đề nghị.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại buổi làm việc. 

Tại cuộc họp, báo cáo với Thủ tướng cùng đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, mặc dù các ngành chức năng và chính quyền các cấp đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản, song cơn bão và hoàn lưu sau bão số 9 đã gây thiệt hại rất lớn, 80 người chết và mất tích, trong đó 45 người do sạt lở đất. 727 nhà sập hoàn toàn. Theo số liệu các tỉnh báo cáo đến thời điểm này thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả thiên tai, các lực lượng của địa phương, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn đã cử 66.121 lượt cán bộ, chiến sĩ; 1.716 phương tiện huy động để ứng phó, hỗ trợ dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường...

Việc có dư luận cho rằng lũ lớn, sạt lở đất vừa qua do thủy điện và phá rừng gây ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng đó là thông tin không chính xác. “Việc sạt lở núi và lũ lớn có nhiều nguyên nhân. Khách quan do bão chồng bão, mưa chồng mưa quá lớn lại xảy ra trong thời gian ngắn. Mưa quá nhiều đất no nước. Lượng nước trong đất quá sức chịu đựng nên phát ra tiếng nổ gây lở đất. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan không loại trừ do các công trình xây dựng khi triển khai chưa được đánh giá đầy đủ về mức độ tác động vào tự nhiên. Ví dụ như năm 1964 Quảng Nam diện tích rừng còn rất lớn, nhưng thời điểm đó cũng xảy ra trận lũ lụt lịch sử chết rất nhiều người. Nhiều tỉnh khác cũng vậy. Do đó nói nguyên nhân lũ lụt nhiều do mất rừng mà gây ra là chưa chính xác”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho biết cơn bão số 9 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản ở các địa phương. Hiện nay, tại tỉnh Quảng Nam còn ít nhất 22 người mất tích do sạt lở núi, tại tỉnh Bình Định còn 23 ngư dân chưa được tìm thấy. Riêng đối với TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, cơn bão số 9 cũng gây thiệt hại cho một số địa phương của thành phố, tuy nhiên mức thiệt hại không quá lớn, Đà Nẵng có thể tự tính toán và lo cho người dân được. Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ những thiệt hại với các tỉnh, Đà Nẵng đã hỗ trợ thêm 8 tỷ đồng cho Quảng Nam (trước đó đã hỗ trợ cho Quảng Nam 12 tỷ đồng), hỗ trợ 3 tỷ đồng cho Bình Định và Quảng Ngãi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên, tặng quà cho nạn nhân lở núi ở Trà Leng.

Đại diện lãnh đạo 3 địa phương còn lại đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả. Cụ thể, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tính sơ bộ toàn tỉnh thiệt hại gần 4.500 tỷ đồng. Do đó đề nghị trung ương hỗ trợ 1.770 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó địa phương này cũng đề nghị Đà Nẵng, Quảng Nam, kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng tôn đưa đến bán cho người dân Quảng Ngãi vì hiện nay nguồn tôn cung ứng không đủ cho nhu cầu của người dân sau bão.

Về phía Quảng Nam, tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ tiếp 2.000 tấn gạo (ngoài 1.000 tấn đã cấp); hỗ trợ 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau bão... Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiến nghị thêm một số nội dung, như: Đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ GT-VT và Quân khu 5 hỗ trợ mở đường, làm cầu tạm để vào xã Phước Thành và Phước Lộc (H. Phước Sơn) đang bị cô lập; bờ biển Cửa Đại sạt lở nghiêm trọng, kính đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành cho xây dựng bờ kè cứng; về lâu dài cho nhân dân vay tiền với lãi suất thấp để làm nhà tránh bão. Về việc mở đường vào các xã bị cô lập, Trung tướng Thái Đại Ngọc - Tư lệnh Quân khu 5 cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng đi khảo sát, sau đó mới lên phương án cụ thể để triển khai...

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình một số xã ở H. Phước Sơn bị cô lập. 

Không để người dân sống màn trời chiếu đất

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời gian ngắn nhưng có đến 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới tràn vào miền Trung. Đối với cơn bão số 9 vừa qua, người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi cho biết chưa từng có cơn bão nào đổ bộ mà kéo dài, quần đi quần lại gây thiệt hại to lớn như vậy. “Tuy nhiên với sự quan tâm, chỉ đạo của trung ương và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chúng ta đã giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra. Với những thiệt hại lớn như vậy, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội chia sẻ những mất mát với người dân các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó biểu dương, đánh giá cao sự hỗ trợ, phối hợp của các lực lượng chức năng, đặc biệt các lực lượng trung ương cùng tham gia như quân đội, công an và các lực lượng khác. Các lực lượng này đã ngày đêm bám sát hiện trường, chỉ đạo quyết liệt trước, trong và sau bão, nhất là tìm kiếm cứu người gặp nạn”, Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, lâu nay bão lũ là điều tất yếu ở khu vực miền Trung nên thiệt hại đối với người dân là rất lớn. “Khó khăn phía trước còn nhiều mặt, bởi thiệt hại quá lớn về người và tài sản của nhân dân. Tuy nhiên Đảng và Nhà nước tin rằng, với bản lĩnh kiên cường của người miền Trung anh hùng, người dân nơi đây sẽ vươn lên để phát triển, sẵn sàng thích ứng với thiên tai để giảm thiệt hại”, Thủ tướng nhận định.

Để người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương phải có nghị quyết, hành động cụ thể nhằm sớm triển khai khắc phục hậu quả thiên tai. “Những việc các đồng chí nói hôm nay phải nhanh chóng triển khai đến với người dân. Trước tiên chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan phải khẩn trương tìm mọi biện pháp tìm kiếm người ở Quảng Nam, Huế, Bình Định mất tích chưa được tìm thấy. Đồng thời tích cực điều trị người bị thương. Lưu ý tỉnh Quảng Nam chỉ đạo bệnh viện lo chi phí, ăn ở, đi lại miễn phí mọi thứ cho các bệnh nhân là nạn nhân sạt lở núi ở Trà Leng đang điều trị ở đây. Tiếp tục chăm sóc người thân những nạn nhân bị nạn. Không được để người dân sống màn trời chiếu đất, đói cơm lạt muối, bệnh tật sau lũ...”, Thủ tướng đề nghị.

 Đoàn người gùi lương thực đi qua nhiều núi đồi, sông suối hiểm trở.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các quân khu, đơn bị tăng cường thiết bị, máy móc, con người cho Quân khu 4 và Quân khu 5, vì đây là những địa phương thường xuyên bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chủ trương hướng dẫn miễn, giảm, xóa nợ cho những trường hợp thiệt hại nặng do bão số 9 gây ra. Thủ tướng cũng quyết định phương án hỗ trợ cho mỗi nhà sập hoàn toàn 40 triệu đồng, nhà tốc mái hỗ trợ 10 triệu đồng, mức chung cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại.

Để đề phòng cơn bão số 10 sắp đến, nhất là tình trạng sạt lở núi ở một số tỉnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải dự báo sớm cơn bão số 10 tác hại đến đâu nhằm chủ động ứng phó. Ngoài ra, một số kiến nghị khác của địa phương Thủ tướng giao cho các bộ, ngành trung ương xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất để người dân kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.

Trước đó sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đi thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ; đồng thời tới thăm, động viên một số gia đình, cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 trên địa bàn hai huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và Núi Thành (Quảng Nam); thăm hỏi, động viên các nạn nhân sạt lở núi ở Trà Leng bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

TRẦN TÂN