Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng chủ trì họp bàn giải pháp giảm lãi suất cho vay, thị trường trái phiếu

Thứ ba, 25/04/2023 17:34

Sáng 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các ngân hàng Thương mại Nhà nước.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quý 1/2023 tăng trưởng kinh tế nước ta thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững cần phải đánh giá, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; trong đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, ban hành nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn thực hiện các giải pháp liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ, tình hình sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy.

Thủ tướng chỉ rõ, trước hết phải sử dụng các công cụ của Nhà nước, của ngân hàng để tiếp tục khơi dậy sức mạnh chung của đất nước, huy động nguồn lực để phát triển, đặc biệt là để tháo gỡ khó khăn trong lúc này, trong đó có cơ chế để huy động nguồn lực trực tiếp vào các chủ đề liên quan đến bất động sản, tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của doanh nghiệp của người dân, thị trường trái phiếu.... từ đó đưa ra các chính sách kịp thời.

"Cơ chế, chính sách là huy động nguồn lực, tạo ra động lực và chúng ta cũng lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, lấy nguồn lực của Nhà nước để kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội. Kinh nghiệm cho thấy, khi thay đổi cơ chế, thay đổi một số nhiệm vụ giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với ý Đảng, lòng dân thì cơ chế đó được phát huy rất nhanh. Thực tế chuỗi việc làm vừa qua, các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành vào cuộc thì tình hình đã thay đổi", Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “non cao cũng có đường trèo, đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi” và “nguồn lực bắt nguồn tư tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, cuộc họp này, Thường trực Chính phủ, các bộ ngành phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn, cùng rà soát các công việc đã và đang thực hiện. Đồng thời tiếp tục phát hiện những vướng mắc cần tháo gỡ; thống nhất quan điểm, phương pháp để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng thương mại thuộc khối ngân hàng Nhà nước chia sẻ, nhờ có các chính sách kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà khối các ngân hàng trong nhà nước thời gian qua đã vượt qua khó khăn. Đồng thời các ngân hàng đã kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ, Thủ tướng đến Chính phủ nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết.

Sau khi nghe các bộ, ngành liên quan trình bày báo cáo tình hình, Thường trực Chính phủ, đại diện các bộ, ngành liên quan đánh giá, các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là chính sách về tài chính, tiền tệ đang được triển khai thực hiện; tình hình thanh khoản, hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân tăng lên; một số vướng mắc tại các dự án bất động sản, nhất là ở các thành phố lớn được tập trung tháo gỡ, đặc biệt là các vướng mắc liên quan thể chế…

Đồng thời cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại như, các thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn còn khó khăn; chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vẫn được triển khai chậm, trong khi tình hình kinh tế thế giới dự báo vẫn diễn biến khó lường, trong nước không loại trừ bọc lộ những khó khăn nội tại.

Nguyên nhân một phần do vẫn còn vướng về mặt pháp lý, song phần lớn là do khâu thực hiện còn hạn chế. Do đó cùng với tiếp tục rà soát thủ tục, điều chỉnh pháp lý, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường, trong đó cần chỉ rõ, cụ thể hóa từng việc và xác định rõ trách nhiệm trong việc thực thi.

Việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành?

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản pháp lý, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào cho tốt để các chính sách đi vào cuộc sống để các thị trường có thêm nguồn lực, động lực để phát triển, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản đã ban hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý; chủ trì tổ chức thực hiện; đồng thời kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, “việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành” đối với thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Theo đó, đối với thị trường tài chính, hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giảm sát thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật; nhất là việc giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phải đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có đủ điều kiện để thanh toán cho các trái chủ, theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với thị trường bất động sản, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành các công trình, dự án đưa các sản phẩm vào thị trường. Cùng với đó giải quyết các thủ tục hành chính quy hoạch; doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại các phân khúc; sử dụng hiệu quả nguồn vốn 120 ngàn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng cho rằng, các ngân hàng thương mại Nhà nước có lượng tín dụng chiếm đa số trong hệ thống ngân hàng, chi phối lượng tín dụng vận hành trong nền kinh tế. Do đó các ngân hàng cần tham gia vào dẫn dắt thị trường tài chính, hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Trong đó tiếp tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của người dân, doanh nghiệp; tăng tiếp cận vốn, hấp thu vốn của người dân, doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trách nhiệm của Chính phủ là chỉ đạo, điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; chính sách tiền tệ hợp lý, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, đồng thời nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước xác định “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực của sự phát triển”, trong lúc khó khăn, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Nhà nước bằng công cụ của mình đưa ra các giải pháp hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân. “Giải pháp của Chính phủ là chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; chứ không phải là áp dụng các biện pháp cực đoan, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”./.

Theo VOV