Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Deuba – được "chọn mặt gửi vàng"

Thứ bảy, 10/06/2017 11:39

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch đảng Quốc đại Nepal, chính trị gia kỳ cựu Sher Bahadur Deuba đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng mới của nước này hôm 7-6. Đây là lần thứ 4 ông Deuba đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Nepal, nhưng lần trở lại này không hề dễ dàng.

Tân Thủ thướng Nepal Sher Bahadur Deuba. Ảnh: OnlineKhabar

Phải bầu cử

Ông Deuba đối mặt với nhiều thách thức phía trước, nổi bật nhất là tổ chức các cuộc bầu vòng 2 cấp địa phương vào cuối tháng này, cũng như các cuộc bầu cử cấp tỉnh và Quốc hội trong vòng 8 tháng tới.

Nhiệm vụ  khó khăn nhất của ông Deuba là giải quyết yêu cầu của các đảng tại Madhes, một vấn đề gai góc trong nền chính trị Nepal kể từ khi ban hành hiến pháp mới vào năm 2015. Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng, vì việc sửa đổi hiến pháp đáp ứng yêu cầu của các đảng này đòi hỏi 2/3 số phiếu ủng hộ trong Quốc hội, điều mà chính phủ tiền nhiệm Prachanda đã thất bại. Tuy nhiên, ông Deuba giành được gần 2/3 số phiếu bầu trong cuộc bầu cử thủ tướng và nếu tiếp tục nỗ lực, ông có thể bảo đảm số phiếu cần thiết để sửa đổi hiến pháp.

Trước đó, chính phủ Prachanda thất bại trong việc giành được 2/3 số phiếu ủng hộ để sửa đổi hiến pháp, các cuộc bầu cử địa phương được lên kế hoạch tổ chức tại Madhes, phía nam Nepal, đã phải hoãn lại. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của các đảng về vấn đề trên, sẽ không dễ dàng tổ chức các cuộc bầu cử còn lại trong thời gian ngắn. Nếu các đảng miền Nam Nepal tẩy chay bầu cử, sẽ gây ra cuộc xung đột lâu dài ở Madhes.

Ông Deuba cho biết, việc sửa đổi hiến pháp là ưu tiên hàng đầu. Ông cũng ký một thỏa thuận với các đảng tại Madhes về việc giải quyết các yêu cầu của họ, gồm việc tăng số lượng các cơ quan địa phương. Trở lại năm 2001, khi ông Deuba đảm nhiệm nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai, ông đã thất bại trong việc tổ chức các cuộc bầu cử trước khi nhiệm kỳ của Quốc hội kết thúc. Sau đó, Nhà vua Gyanendra Shah đã sa thải ông Deuba, cho rằng ông là người kém cỏi khi thất bại trong việc tổ chức các cuộc bầu cử. Ông Deuba sau đó được phục chức Thủ tướng vào năm 2004 - và một lần nữa bị sa thải vào năm 2005.

Ông Deuba đang ở vào tình huống tương tự năm 2001: nếu không thể tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 1 tới, sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng hiến pháp. Theo hiến pháp, nhiệm kỳ của Quốc hội hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 1-2018 và việc thay thế là bắt buộc. Một lựa chọn khác là kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, nhưng con đường này đầy những thách thức. Cần có sự nhất trí giữa các đảng cũng như hệ thống tư pháp. Nếu ông hoàn thành tất cả các cuộc bầu cử, sự nghiệp chính trị của ông sẽ lên một tầm cao mới.

"Bài toán" Trung Quốc và Ấn Độ

Về chính sách đối ngoại, ông Deuba phải đối mặt với những thách thức mà người tiền nhiệm Prachanda từng gặp phải. Khi lên nắm quyền, nhiều người đoán rằng, ông Prachanda sẽ nghiêng về Ấn Độ và phớt lờ mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng ông Prachanda duy trì một mối quan hệ thân mật với cả hai nước láng giềng. Ông Prachanda đã ký kết thỏa thuận hợp tác về Sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường" và tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên của hai nước.

Thách thức hiện giờ của ông Deuba là tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đạt được với Bắc Kinh mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ với New Delhi. Trong những năm gần đây, ông Deuba đã xây dựng mối quan hệ tốt với Ấn Độ. Ông cũng thể hiện mình là nhà lãnh đạo gần gũi với phương Tây. Tháng 11-2016, ông Deuba thăm Ấn Độ và gặp Thủ tướng Narendra Modi. Ông Deuba cũng đến thăm Ấn Độ vào năm 2015, ngay trước khi Nepal ban hành hiến pháp mới, theo lời mời chính thức của Ấn Độ.

Các phương tiện truyền thông chính thống đã bắt đầu cảnh báo ông về cách đối phó với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ để có thể tiếp tục các thỏa thuận đã đạt được với Bắc Kinh.

An Bình (Theo Diplomat)