Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng May “trình làng” Brexit “Kế hoạch B”

Thứ ba, 22/01/2019 11:07

Các lãnh đạo EU cho đến nay vẫn gạt bỏ khả năng đàm phán lại, nhưng bật tín hiệu rằng, họ có thể trì hoãn thời hạn “ly hôn” nếu bà May thay đổi “giới hạn đỏ” về việc rời khỏi liên minh thuế quan EU và chặn công dân tự do đi lại.

Một trong những vấn đề nan giải nhất của thỏa thuận Brexi của Thủ tướng May là biên giới Ireland.   Ảnh: AFP

Đúng như tuyên bố, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 20-1 công bố Brexit “Kế hoạch B” trước Quốc hội sau khi “Kế hoạch A” mà bà May rất khó mới đạt được với Liên minh Châu Âu (EU) đã bị đa số nghị sĩ bác bỏ, khiến tình trạng bế tắc chính trị ở Anh càng gia tăng trong bối cảnh thời hạn chót rời đi chỉ còn 10 tuần.

Thời gian đếm ngược

Theo lịch trình, Quốc hội Anh sẽ tranh luận và bỏ phiếu cho “Kế hoạch B” của Thủ tướng May vào ngày 29-1. Nếu nó vẫn bị bác bỏ, Anh có thể sẽ phải rời EU vào ngày 29-3 mà không có bất kỳ thỏa thuận nào (tức là Brexit cứng) và các nghị sĩ có thể phải trì hoãn ngày rời đi hoặc cùng nhau hành động kịp thời và đưa ra một kế hoạch thay thế mà phía EU cũng hài lòng.

Nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới có thể mất quyền ưu tiên khi xâm nhập vào thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình chỉ sau một đêm, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, dẫn đến chi phí gia tăng và gián đoạn hoạt động các cảng của Anh. London và Brussels đã dành phần tốt nhất trong 2 năm để đi đến một thỏa thuận “ly hôn” nhưng đáng tiếc  các nghị sĩ tại Quốc hội Anh đã bác bỏ thỏa thuận này, trong một động thái đánh dấu thất bại cay đắng của một chính phủ cầm quyền ở Anh trước Quốc hội.

Chính phủ của Thủ tướng May sau đó đã sống sót sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và bắt đầu các cuộc đàm phán với các đảng đối thủ. Nhưng thách thức với Thủ tướng May là nhà lãnh đạo phe đối lập chính Jeremy Corbyn vẫn “tránh xa” và tuyên bố, việc rời EU “không thỏa thuận” phải được loại trừ trước tiên - một điều mà bà  May nói là không thể.

Nhà lãnh đạo Anh có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Hà Lan và Đức cũng như các lãnh đạo EU hồi cuối tuần qua để thảo luận về các bước đi tiếp theo. Các lãnh đạo EU cho đến nay vẫn gạt bỏ khả năng đàm phán lại, nhưng bật tín hiệu cho rằng, họ có thể trì hoãn thời hạn chia tay nếu bà May thay đổi “giới hạn đỏ” về việc rời khỏi liên minh thuế quan EU và chặn công dân tự do đi lại.

Sửa đổi như thế nào?

Sau khi Thủ tướng May vạch kế hoạch cho những bước đi tiếp theo, các nghị sĩ Anh cũng đang tính toán đến hàng loạt sửa đổi để có thể bỏ phiếu vào ngày 29-1.

Ít nhất 2 nhóm nghị sĩ liên đảng đã có kế hoạch bàn về các sửa đổi để giúp các thành viên đảng trì hoãn hoặc phá vỡ đề xuất của bà May. Một nhóm dự định sẽ đình chỉ quá trình “ly hôn” nếu không đạt được thỏa thuận mới với Brussel vào cuối tháng 2 tới. Nhóm còn lại muốn các cuộc  bỏ phiếu về Brexit với tần suất mỗi tuần 1 lần, phá vỡ quy ước chính phủ kiểm soát thời gian biểu của Quốc hội. Phố Downing gọi hai nhóm này “cực kỳ đáng lo”. Và Thủ tướng May đang nỗ lực để sửa đổi thỏa thuận ban đầu. Theo các nguồn tin, bà cân nhắc sửa đổi thỏa thuận “Thứ Sáu tốt lành” ký năm 1998 vốn giúp chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 30 năm tại vùng Bắc Ireland để tìm ra một lối thoát cho Brexit. Theo thỏa thuận, các điểm kiểm tra biên giới giữa hai vùng trên đảo Ireland đều bị dỡ bỏ và vùng Bắc Ireland được điều hành theo cấu trúc chia sẻ quyền lực giữa phe ủng hộ Cộng hòa Ireland và phe ủng hộ Vương quốc Anh với cơ quan lập pháp có sự đại diện của cả hai phe.

Vấn đề biên giới này chính là điều nan giải nhất của thỏa thuận Brexit. Nó được gọi là điều khoản dự phòng về biên giới Ireland, nhằm bảo đảm về pháp lý rằng, biên giới sẽ vẫn mở để di chuyển tự do nếu Anh và EU không thể nhất trí một thỏa thuận thương mại tự do dài hạn. Anh không thể đơn phương rút khỏi điều khoản này. Nhưng theo Sunday Times, bà May có thể sẽ đề xuất một thỏa thuận riêng với Dublin. Giới phân tích cho rằng, cách làm này có thể sẽ giúp bà May thuyết phục được những thành viên đảng Bảo thủ và cả Liên minh Dân chủ (DUP), đảng lớn nhất ở Bắc Ireland.

KHẢ ANH