Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng: Nên thưởng huân chương cho doanh nghiệp tư nhân

Thứ sáu, 08/11/2019 16:28

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP của cả nước. Hiện đã có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc.

Chiều 8/11, chốt lại phiên đăng đàn của 4 bộ trưởng: Nguyễn Xuân CườngTrần Tuấn AnhLê Vĩnh Tân và Nguyễn Mạnh Hùng, Quốc hội dành thời gian chất vấn và trả lời chất vấn cho người đứng đầu Chính phủ.

Đây cũng là thông lệ của các kỳ họp cuối năm khi Thủ tướng sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ, sau đó, trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Thu tuong: Nen thuong huan chuong cho doanh nghiep tu nhan hinh anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an và đại biểu Quốc hội trong thời gian nghỉ giải lao giữa phiên họp Quốc hội. Ảnh: Hải Quân.

Thủ tướng: Không để văn hóa Việt Nam bị lai căng

Về phát triển văn hóa mang tầm chiến lược, Thủ tướng cho rằng việc này là hết sức cần thiết, phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì Việt Nam mới thành công. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có sức mạnh nền tảng rất lớn, và nhấn mạnh phát triển văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, các dân tộc đều đoàn kết, thống nhất. Theo Thủ tướng đây là vấn đề hết sức quan trọng và có ý nghĩa. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về văn hóa mà Thủ tướng cho rằng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi. Như nhiều thách thức trong kinh tế thị trường trong phát triển văn hóa, chưa nền nếp trong hoạt động văn hóa, hay chưa thực hiện các cuộc vận động do cơ quan mặt trận, Đảng, Nhà nước phát động. Ông đề nghị không được để nền văn hóa Việt Nam lờ nhờ, nghệch ngoạc, không để văn hóa lai căng. Đây là nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ và phát triển văn hóa cho xứng đáng với truyền thống 4.000 năm lịch sử.

‘Nền kinh tế độc lập tự chủ, có khả năng chống chịu những biến động, cú sốc’
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh hàm ý điều này không có nghĩa là một mình, mà phải xây dựng nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập, có khả năng chống chịu những biến động, cú sốc của nền kinh tế thế giới.

Thủ tướng lấy ví dụ hiện nay, dịch tả lợn châu Phi khiến Việt Nam mất khoảng 8,5% tổng đàn lợn, trong khi vẫn phải có biện pháp đảm bảo thực phẩm cho người dân. Điều này vẫn cần một lượng hàng hóa từ bên ngoài để bù đắp. Thủ tướng cũng báo cáo với Quốc hội nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng mừng trong quá trình độc lập, tự chủ. Ví dụ như từ một nước thiếu ăn, đến nay xuất khẩu nông nghiệp đạt trên 4,2 tỷ USD. Kinh tế tăng trưởng liên tục, có khả năng chống chịu.

Mặc khác, Chính phủ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, lạm phát thấp. Việt Nam cũng đa dạng hoá, đa phương hoá mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập riêng một thị trường quốc gia nào. Việt Nam đã có 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và có 3 hiệp định đang thảo luận kỹ thuật.

Kinh tế ban đêm giúp tạo thêm nhiều việc làm

Trả lời về vấn đề kinh tế ban đêm, Thủ tướng nhất trí đây là vấn đề đáng quan tâm, chứng tỏ sự năng động của nền kinh tế. Ông cho biết trong bối cảnh quốc tế thúc đẩy tiêu dùng, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 18 triệu lượt thì vấn đề này lại càng quan trọng.

“Phần lớn khách đến Việt Nam trái múi giờ. Cần thời cơ để phục vụ họ với hiểu biết về văn hoá ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Kinh tế ban đêm cũng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết vấn đề lao động. Tôi mong các trung tâm kinh tế các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng kinh tế ban đêm cũng có mặt trái, nên ông đề nghị chú trọng công tác quản lý, tránh tiêu cực xảy ra. “Hiện nay, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng kinh tế ban đêm theo hướng tốt hơn, tổ chức đa dạng, phù hợp và quản lý tốt. Tránh những mặt tiêu cực có thể phát sinh”, ông nói.

"Tính toán lại GDP là điều cần thiết"

Theo Thủ tướng, việc đánh giá lại GDP giúp quan sát những khu vực kinh tế mà trước kia bỏ sót. Điển hình như 76.000 doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa tính vào GDP, ngoài ra còn lượng lớn hộ kinh doan cá thể… Ông đánh giá nhiều lĩnh vực còn bỏ sót.

“Trong khi các nước việc mua một con ốc vít, que tăm cũng có hóa đơn. Ở chúng ta, thậm chí mua xe máy, TV cũng không có hóa đơn, chứng từ, nên tính toán bỏ sót và thất thu thuế là rất lớn. Nhiều khu vực kinh tế ngầm chưa được tính toán”, ông nói.

Thủ tướng khẳng định tính toán lại GDP là điều cần thiết và đó cũng là thông lệ quốc tế bình thường.

Nên thưởng huân chương cho doanh nghiệp tư nhân

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Thủ tướng tái khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trong để phát triển đất nước. Hiện nay, với 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân, các bộ ngành, địa phương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân.

Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp 40% GDP của cả nước và đã có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia.

“Họ đã làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ. Nên thưởng huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp ấy. Chúng ta không phân biệt kinh tế tư nhân, Nhà nước, bình đẳng các nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Phải đảm bảo an ninh nguồn nước

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề nước sạch sau sự cố ở Công ty nước sạch sông Đà, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012. Trong đó, phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.

“Trên phương tiện thông tin đại chúng nói tỷ lệ Nhà nước nắm giữ đối với nước sạch. Về vấn đề này, tôi yêu cầu các cấp, các ngành nắm. Đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống sức khoẻ của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường chỉ đạo các cấp kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Bảo vệ tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành thông qua”, ông nói.

8 đại biểu ở một đoàn đăng ký chất vấn Thủ tướng

Tuy chỉ có 85 phút đăng đàn trả lời chất vấn nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn. Ngay lượt đầu tiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có 9 đại biểu đặt câu hỏi. Ngoài ra, ngày 8/11, đã có 9 câu hỏi gửi đến Thủ tướng. 

Chủ tịch Quốc hội cũng xin phép được điều khiển phiên họp chủ động bằng cách không để một địa phương chất vấn quá nhiều. Theo bà Ngân, riêng đoàn Hà Nội đã có đến 8 đại biểu đăng ký chất vấn. 

Tận dụng triệt để thời cơ

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng được Thủ tướng nhắc đến là một cuộc chiến đầy khó khăn thách thức. Nhưng ông khẳng định phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND cùng các cơ quan rà soát, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…

“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiên quyết không nhân nhượng hành vi xâm phạm trên Biển Đông

Về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng nêu thực tế chúng ta đang phải đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn, trong đó nổi lên là ô nhiễm nguồn nước, không khí, và vấn đề rác thải, úng ngập…

Ông yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Xây dựng các kịch bản phòng ngừa, xử lý sự cố môi trường như ô nhiễm không khí, bụi mịn, an ninh nguồn nước…

Về quốc phòng, an ninh, trước mối quan tâm của đại biểu Quốc hội về các hành vi vi phạm nghiêm trọng vùng biển nước ta, Thủ tướng nói đây cũng mối quan tâm, nỗi lo lắng chung. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm trên Biển Đông.

Quyết tâm hoàn thành các tuyến đường kết nối ĐBSCL

Nhắc đến việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhìn nhận còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và bờ sông, bờ biển sạt nghiêm trọng...

Ông cho biết Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách Trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.

Vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu

Theo báo cáo của người đứng đầu Chính phủ, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế.

Trước Quốc hội, Thủ tướng đã báo cáo về nhiều vấn đề trọng tâm được các đại biểu Quốc hội đề cập trong các phiên chất vấn trước đó.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng quán triệt không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.

Không để tái diễn thảm kịch ở Anh

Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Vì thế, phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.

“Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nói về thách thức lớn nhất

Phát biểu trước Quốc hội làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Chính phủ chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về những khó khăn, thách thức không hề nhỏ trước mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhắc đến lịch sử chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khổ, Thủ tướng nhắn nhủ phải luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường.

“Thách thức lớn nhất hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế, mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn với Thủ tướng

Trước đó, trong các phiên chất vấn dành cho 4 thành viên Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã gửi gắm câu hỏi đến người đứng đầu Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhắc đến nguy cơ sản phẩm hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản có nguy cơ thua trên sân nhà. Vậy cần có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ kinh tế hợp tác trong các điều kiện mở cửa thị trường, áp lực cạnh tranh lớn và hội nhập sâu?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nước nhưng chúng ta lại đang thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các công ty cung cấp nước sạch. Ông cũng dẫn thông tin từ báo chí cho biết một tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% của nhà máy nước sạch lớn nhất của Việt Nam và đề nghị phải xem xét lại chủ trương này. Ông Nghĩa đề nghị Thủ tướng có ý kiến về việc này.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhắc đến câu nói của một chuyên gia kinh tế cho rằng muốn có Việt Nam hùng cường thì dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn và coi đây là lực lượng tiên phong, bứt phá trong tương lai. Ông muốn hỏi Thủ tướng tới đây có những chính sách cụ thể gì để kinh tế tư nhân liên tục phát triển và Việt Nam có được “những người khổng lồ” đúng nghĩa?

Nữ đại biểu Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung chất vấn Thủ tướng về giải pháp cụ thể để đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, do có nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về một số dự án điện ở đồng bằng sông Cửu Long đều bị chậm nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm và Thủ tướng sẽ trả lời thêm để đại biểu Quốc hội và cử tri được biết.

Theo Zing