Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chống trì trệ như chống dịch

Thứ bảy, 09/05/2020 10:05

Tại hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế sáng 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Bây giờ là lúc bàn đến chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy. Phải thể hiện tinh thần chống trì trệ như chống dịch, phải loại bỏ virus trì trệ ngay trong chúng ta, trong mỗi bộ ngành, địa phương hay doanh nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam như chiếc lò xo nén lại, giờ là lúc bật dậy mạnh mẽ.

Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp tại đầu cầu Đà Nẵng.

Được coi là “Hội nghị Diên Hồng” về vượt khó, phục hồi kinh tế, Hội nghị này được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang ở thời khắc mang tính bước ngoặc lịch sử. Hiếm có biến cố nào tác động đến hầu hết các quốc gia như Covid-19 với 7,5% số người nhiễm bệnh tử vong, gần nửa dân số thế giới bị ảnh hưởng do các lệnh giãn cách, đóng cửa. Tất cả các nền kinh tế thế giới dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều không tránh khỏi tác động.

Việt Nam theo đuổi chiến lược “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế, để ngọn lửa tăng trưởng âm ỉ, sớm bùng lên khi dịch bệnh được khống chế. Đến nay, 23 ngày VN chưa có ca nhiễm mới, chưa có người tử vong.  Có được kết quả này, theo Thủ tướng do người Việt có tinh thần đề kháng, đoàn kết, mỗi người dân đều có ý thức phòng dịch. Ngoài ra, những chính sách của nhà nước kịp thời, hiệu quả, đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Kinh tế Việt Nam như chiếc lò so nén lại giờ là lúc bứt phá mạnh mẽ.

Theo Thủ tướng, dù bị tác động do giãn cách xã hội, lệnh đóng cửa của nhiều quốc gia, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt mức so với các nước trong khu vực. Năng lực nội sinh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Chẳng hạn tại TP.HCM chỉ có 3% doanh nghiệp rời khỏi thị trường do dịch bệnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn dịch bệnh. Dịch bệnh đã qua, nền kinh tế dần trở lại, như chiếc lò so bị nén, phải bứt dậy mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam năm 2020 phải tăng trưởng trên 5%, lạm phát dưới 4%, muốn vậy phải tập trung vào 5 mũi nhọn như đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa với thị trường 100 triệu dân...

“Các bộ ngành phải sắn tay áo, các địa phương phải thể hiện tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm, kiến tạo đổi mới để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng.  Các bộ, ngành, địa phương phải  trả lời những kiến nghị, vướng mắc của DN, nêu rõ được những hỗ trợ nào khác đối với DN thay vì chỉ nói “toàn chuyện biết rồi”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo về tác động của dịch Covid-19 cũng như thách thức, thời cơ phát triển kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông báo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

HẢI QUỲNH