Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ĐBSCL phải có nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững

Thứ năm, 28/09/2017 06:59

Ngày 27-9, tại Cần Thơ, phiên thảo luận toàn thể tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất từ các nhóm quản lý Nhà nước, đối tác phát triển, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp với tinh thần chung là phát triển bền vững, thay đổi căn bản mô hình và tập quán sản xuất của người dân thích ứng với điều kiện mới, lâu dài của biến đổi khí hậu. Kết luận hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong điều kiện biến đổi khí hậu và thực hiện các chuyển đổi lớn, chiến lược tại ĐBSCL thì việc đảm bảo sinh kế cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm”.

Khẳng định Chính phủ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng tiếp tục kêu gọi các sáng kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Thủ tướng cho biết, sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Đề cập đến những tầm nhìn mới của vùng được nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải có nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao ở khu vực và rộng hơn là Châu Á trong tương lai. Phải xây dựng ĐBSCL từ vũng trũng trong giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo về một nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với môi trường nhiễm mặn, khan hiếm nước ngọt và phù sa; thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phù hợp với điều kiện mới trong đó lấy phát triển bền vững và hiệu quả của sản xuất làm tiêu chí quan trọng.

Về các giải pháp tổng thể, Thủ tướng yêu cầu định hình sự phát triển bền vững phải đặt trong bối cảnh có nhiều bất định đến từ biến đổi khí hậu và việc sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn. Rà soát lại các quy hoạch tổng thể ngành, địa phương đã có, xây dựng quy hoạch mới cần chuyển từ sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, sống chung với nước mặn và ngập. Phấn đấu đến năm 2050 ĐBSCL phải trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD, tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 5%.

Thủ tướng gợi ý nghiên cứu thành lập quỹ phát triển ĐBSCL với nhiều nguồn lực, đặc biệt là mọi cấp ngân sách. Từ nay đến năm 2020, giải ngân có hiệu quả ít nhất là 1 tỷ USD. Xây dựng cơ chế hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là các vùng đồng bằng lớn trên thế giới để tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật của các nước phát triển cho vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

P.V