Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: EVFTA như “tuyến đường cao tốc lớn” nối gần EU với Việt Nam

Thứ sáu, 07/08/2020 16:00

Toàn cảnh Hội nghị EVFTA. 

Ngày 6-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Hội nghị diễn ra ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi 6 ngày, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với đối tác thương mại hàng đầu – Liên minh Châu Âu, cũng như của Chính phủ đối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm các cam kết của Việt Nam trong EVFTA.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại sự kiện ngày 30-6-2019, Việt Nam và EU đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA ), thể hiện tư duy chiến lược, mở ra không gian rộng lớn giữa hai bên.

Thủ tướng cũng cho biết, trong các cuộc điện đàm với lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) năm 2020, hai bên cùng mong đợi từ ngày 1-8-2020, những điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU bước vào thực tiễn, đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp của người dân hai bên. Điều này càng có ý nghĩa khi cả hai bên đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

EVFTA một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường thì hiệp định có thể giúp GDP tăng bình quân đến 3,2 % trong giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, bình quân đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72 % cho 5 năm sau đó.

Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu thực hiện đồng thời cả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại phát biểu của Thủ tướng tại lễ ký kết EVFTA vào ngày 30-6 năm ngoái rằng khi đi vào hiệu lực thì hiệp định này sẽ như “một tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam”. Từ đây, người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp của hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau.

Nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp và đặc biệt là hiệp hội - chủ thể góp phần quyết định tạo nên thành công của hội nhập, của việc thực thi EVFTA, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của nhau, phải liên kết chuỗi vì riêng rẽ từng doanh nghiệp thì khó có đủ sức mạnh để cạnh tranh, không tận dụng được hiệu quả cơ hội do EVFTA mang lại.

Q.V

Các thành viên CPTPP thảo luận kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19 

Ngày 5-8, các Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại của các quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thảo luận về việc cường hợp tác và một kế hoạch hành động nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Cuộc họp lần này tiến hành dưới hình thức trực tuyến và do Bộ trưởng Kinh tế Mexico Graciela Márquez điều hành. 

Ông Márquez đã báo cáo về tiến độ đạt được của 14 ủy ban và nhóm công tác đã họp trong những tháng trước cuộc họp này về các vấn đề liên quan đến phương thức hoạt động và việc triển khai Hiệp định. Các Bộ trưởng đã đưa ra Tuyên bố chung tuyên bố ủng hộ thương mại tự do như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt khi đối mặt với đại dịch Covid-19. Tuyên bố này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một hệ thống thương mại đa phương mạnh mẽ và dựa trên các quy tắc, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững. 

Các Bộ trưởng nhất trí về việc thành lập một cơ quan trực thuộc của hiệp định về kinh tế kỹ thuật số. Đồng thời tái khẳng định rằng CPTPP là hiệp định thế hệ mới, được thiết kế để đi đầu trong chương trình nghị sự thương mại quốc tế và đối mặt hiệu quả với những thách thức của thế kỷ XXI. Hiệp định đưa các nền kinh tế bổ sung đến gần nhau hơn để tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư, với quan điểm bao trùm và bền vững, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội của các quốc gia thành viên. 

CPTPP bao gồm 11 thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.