Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không phân biệt đối xử nhưng kiên quyết cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19
Chiều 2-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19).
C uộc họp nhằm triển khai các biện pháp đẩy mạnh việc cách ly, theo dõi đối với các trường hợp người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân. Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ rướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 6,2% Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong 2 tháng qua, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 6,2%. Tuy nhiên, trước khó khăn về nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất nếu dịch kéo dài, tất cả thương vụ của Bộ Công Thương tại các nước đang tập trung tìm nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng như tìm thị trường xuất khẩu cho hàng Việt Nam. Về sản xuất khẩu trang, ông Đặng Hoàng An cho biết, hiện chúng ta có trên 10 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và đưa ra thị trường trên 11 triệu khẩu trang. Là một trong số cường quốc dệt may, năng lực sản xuất khẩu trang vải của chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu cho 100 triệu dân. Chúng ta làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, xử lý kháng khuẩn, kháng nước cho khẩu trang. |
Loại trừ 1.593 trường hợp nghi ngờ
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, từ ngày 13-2 đến 12 giờ ngày 2-3, không ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 mới tại Việt Nam; tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 là 16 và đã được điều trị khỏi 16/16 ca; đã loại trừ 1.593 trường hợp nghi ngờ, hiện đang theo dõi, cách ly 115 trường hợp nghi ngờ khác. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 10.089 người, trong đó có 156 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 4.810 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 5.123 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trên thế giới ghi nhận 89.068 trường hợp mắc, 3.046 ca tử vong do Covid-19 tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các quốc gia có nhiều người mắc nhất gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản, Iran…
Tất cả những người nhập cảnh từ Hàn Quốc đều được đưa đến khu vực cách ly tập trung, sau đó phân loại các nhóm đối tượng. Sau khi tiến hành phỏng vấn tại chỗ, xác minh thông tin đã khai báo, sẽ tổ chức cách ly tại cộng đồng đối với các trường hợp không phải cách ly y tế bắt buộc, hoặc tiếp tục cách ly tập trung theo quy định. Đối với người nhập cảnh vào Việt Nam đã qua Hàn Quốc trong vòng 14 ngày: Thực hiện cách ly theo quy định như đối với người nhập cảnh từ Hàn Quốc.
Ban Chỉ đạo thống nhất mức cảnh báo đối với Hàn Quốc, Iran, Italia là quốc gia nằm trong vùng dịch; khuyến cáo người dân hạn chế đi đến các quốc gia này và thực hiện cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này theo quy định. Ban Chỉ đạo cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan tại khu vực sân bay tăng cường phối hợp chặt chẽ để khẩn trương tiếp nhận, làm các thủ tục nhập cảnh, nhanh chóng thực hiện cách ly y tế hiệu quả, không để tình trạng ùn ứ tại sân bay.
Kiên quyết cách ly
Thủ tướng nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lan tới 67 quốc gia, làm hơn 3.000 người thiệt mạng, nhiều nước có tỷ lệ bệnh nhân tử vong tăng nhanh. Do đó, mặc dù đã có những tiến bộ đáng mừng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao về bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành trong cả nước cần bám sát tinh thần: Không lơ là, sợ hãi; không chần chừ mà cần quyết liệt và đặc biệt không được chủ quan. Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu “không phân biệt đối xử” nhưng kiên quyết cách ly người đi qua vùng có dịch vào Việt Nam.
Nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là yêu cầu hàng đầu trong mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong thời điểm này, Thủ tướng cho rằng nếu cần thiết vẫn phải tiếp tục hy sinh một số quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ “thương hiệu Việt Nam an toàn” trong thời điểm Covid-19 đang lan rộng khắp các châu lục.
“Đây là yêu cầu cao nhất của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các cấp, các ngành, các địa phương”, Thủ tướng nói.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ rõ: Nhiều nước đã áp dụng biện pháp rất mạnh, thậm chí là đóng cửa biên giới với các nước có dịch, do đó phải đẩy mạnh việc tiếp tục cách ly; tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, chuẩn bị, đảm bảo tốt cho việc tiếp nhận cơ số người cách ly cần thiết trong thời gian tới. Trong quá trình đó, phải đảm bảo các yếu tố văn minh, chu đáo đối với khách quốc tế, đồng bào từ nước ngoài.
“Cách ly là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”, Thủ tướng chỉ rõ.
Chia sẻ với những thiệt hại nặng nề của ngành du lịch, hàng không và một số lĩnh vực kinh tế khác, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có chủ trương, biện pháp cụ thể về tài khóa, tiền tệ và những chính sách khác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh giao dịch điện tử, phòng tránh dịch bệnh. Bộ Tài chính cần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế để tổng hợp dự toán, có cơ chế phân bổ dự toán cần thiết, chủ động hơn cho công tác này.
Thủ tướng tán thành với việc thành phố Đà Nẵng kiên quyết đưa 22 người từ trung tâm dịch của Hàn Quốc trở lại Hàn Quốc vừa qua; cho rằng đây là việc làm cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào thành phố.
QUỲNH NHƯ – QUANG VŨ – TTXVN