Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khu vực kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng của tăng trưởng

Thứ bảy, 02/07/2016 06:29

(Cadn.com.vn) - Kết luận tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ hôm 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt tinh thần xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, người dân làm cái gì mà pháp luật không cấm.

Không vì kinh tế mà hy sinh môi trường

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói, trong 6 tháng đầu năm thiên tai đã làm thiệt hại hơn 16,9 ngàn tỷ đồng, bằng 0,9% tổng giá trị nền kinh tế quốc dân làm ra. Ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành trồng trọt đã giảm tới 3%, do sản lượng lúa giảm 1,3 triệu tấn. Riêng ngành thủy sản tăng trưởng chậm. Theo ông Phát, ngoài lý do thiên tai còn do sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung đã làm giảm mạnh sản lượng khai thác thủy sản của 4 tỉnh này. Chính tăng trưởng thấp của ngành nông nghiệp đã kéo tăng trưởng GDP thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ.

Nói về sự cố môi trường ven biển miền Trung do Formosa gây ra, ông Nguyễn Văn Cao- Chủ tịch tỉnh TT-Huế cho biết, nhiều ngư dân sống ven biển của tỉnh đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Do không có đất sản xuất nên việc chuyển đổi nghề cho ngư dân rất khó, thế nên ông Cao đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi sang đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ hoặc hỗ trợ để họ đi xuất khẩu lao động. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho các Bộ sử dụng số tiền Formosa bồi thường để hỗ trợ cho ngư dân, nhất là hỗ trợ về sinh kế lâu dài, theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ. Thủ tướng nói yêu cầu quan trọng nhất sau việc này là Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa. Từ vụ việc này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm nhất quán trong phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không vì phát triển kinh tế, thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, đặc biệt là môi trường sống của người dân. Thủ tướng khẳng định, không vì kinh tế mà hy sinh môi trường.

Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề về thiên tai, sự cố môi trường song Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn tin rằng những tháng cuối năm ngành Nông nghiệp sẽ tăng trưởng tốt. Bởi theo Bộ trưởng Phát, hạn hán, xâm nhập mặn đã qua, sự cố môi trường đã làm rõ, độc tố trong môi trường biển cũng giảm bớt. Và để có tăng trưởng tốt, việc cần làm ngay là tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để mở rộng sản xuất và tăng hiệu quả sản xuất.

“Để tăng được 2% chúng ta cần phải có 15 ngàn tỷ đồng giá trị gia tăng tăng thêm trong 6 tháng cuối năm so với bình thường. Mà để làm được điều đó cần đi theo hai con đường là mở rộng sản xuất và giảm chi phí để tăng giá trị gia tăng, điều này hoàn toàn có thể làm được”- ông Phát nói. Về giải pháp cụ thể, ông Phát dẫn chứng việc nuôi trồng thủy sản dư địa phát triển rất tốt, nhất là con tôm, bây giờ còn đang mùa vụ, chỉ cần nuôi 60 ngày đã thu hoạch được. Trong khi giá một kg tôm thẻ chân trắng bình quân bằng 20 kg lúa. Từ đó ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu sẽ tăng sản lượng thêm 50 ngàn tấn tôm. Tuy vậy, ông Phát cũng nói, việc phát triển nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, không thể xa rời mục tiêu này. Đến nay cả nước  có 1965 xã, 23 huyện đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Phát sinh lớn nhất hiện nay là hơn 3,6 ngàn xã còn nợ hơn 15,2 ngàn tỷ đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cần sớm được tháo gỡ. 

 

Cần huy động tiền trong dân

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện lượng tiền tồn đọng trong dân rất lớn, Chính phủ cần có kế hoạch để huy động. Cụ thể trong mùa Euro đang diễn ra, tình trạng cá độ bóng đá trầm trọng, riêng tại 5-6 tỉnh phía Bắc số lượng tiền cá độ bị phát hiện theo các đường dây đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó là tình trạng tín dụng đen cũng rất phức tạp, thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng vỡ hụi gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, một số Cty chào lãi suất lớn một tí đã huy động được rất nhiều người dân tham gia, trong đó có nhiều người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa cũng tham gia. Lượng tiền lớn như vậy tồn tại trong dân là rất bất an.

Về vấn đề Bộ trưởng Tô Lâm nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông dù đã giảm từ 20% xuống còn khoảng 11% song vẫn còn cao. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các cục, vụ có giải pháp cụ thể như đẩy nhanh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Riêng chuyện tín dụng đen tồn tại gây nhũng nhiễu, ông Hưng cho biết giải pháp NHNN đưa ra là sẽ mở rộng mạng lưới chi nhánh ngân hàng tại vùng sâu, vùng xa, phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nói rằng hiện lượng tiền trong dân rất lớn, riêng việc cá độ bóng đá đã phát hiện hàng ngàn tỷ đồng, rồi cũng có những tính toán trong dân hiện còn hơn 500 tấn vàng. Bên cạnh đó lượng tiền tiềm ẩn khác cũng chưa tính toán được. Từ thực tế đó, Phó thủ tướng cho rằng cần có giải pháp gợi mở, thu hút đưa toàn bộ sức dân này vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Xóa bao cấp dịch vụ công

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong 6 tháng đầu năm nay 18 bộ ngành và 61 tỉnh thành đã tinh giảm được hơn 10 ngàn người, như vậy tính tổng cộng từ năm 2015 đến nay tinh giảm biên chế hơn 15,7 ngàn người. Hiện tại công chức từ cấp huyện trở lên có 277 ngàn người, công chức cấp xã có 256 ngàn người, viên chức sự nghiệp hơn 2 triệu người. Theo kế hoạch mỗi năm phải tinh giảm 1,5% biên chế, tức là khoảng 40 ngàn người, như vậy mức tinh giảm biên chế hiện quá thấp.

Về xã hội hóa trong sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Tân đề nghị phải phân cấp mạnh hơn nữa với các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ cho họ để tiến tới hoạt động như doanh nghiệp. Mà để nâng cao chất lượng phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập thì cần mạnh dạn chuyển các phí thành giá để các đơn vị tự chủ hạch toán đầy đủ. Tức là từng bước xóa bao cấp với các đơn vị sự nghiệp công mà chuyển sang hình thức có cơ chế đặt hàng mua các dịch vụ công để phục vụ cho những vùng đặc biệt khó khăn. Có như vậy, các đơn vị sự nghiệp công sẽ có sự cạnh tranh, đồng thời từng bước xóa bao cấp toàn xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Tân, việc đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập sẽ giúp thu hút được rất nhiều nhà đầu tư để thực hiện chính sách đầu tư trong lĩnh vực như giáo dục, y tế. “Chúng ta tính công bằng, sòng phẳng giữa công tư như nhau, đây là chính sách khuyến khích các DN đầu tư trong lĩnh vực này”- Bộ trưởng Tân nói.

Chính phủ kiến tạo

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 84 ngàn tỷ đồng, do đó Chính phủ cần phải có những quyết sách mạnh về thúc đẩy sản xuất, đồng thời phải cải cách hành chính, kiểm soát việc chi tiêu công, nhất là chi tiêu cho tiếp khách, đi nước ngoài, hội họp. Với công tác thanh tra, Phó Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu thanh tra một số trọng điểm, có dấu hiệu thất thoát, lãng phí lớn. Chẳng hạn rừng Tây Nguyên, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa rồi, nhưng trước đây có tiêu cực không, phải xem một số điểm thanh tra, làm rõ. “Dự án Formosa thì bây giờ hậu quả như thế nhưng trong quá trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch, cấp phép, chỗ nào có tiêu cực hay không cần phải thanh tra, xử lý một vài điểm cho rõ ràng, để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Đây cũng là việc hợp lòng dân”- Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải nắm vững tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí, có kỷ luật, kỷ cương, hoạt động với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt phải tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, người dân làm cái gì mà pháp luật không cấm. Tinh thần cởi mở này phải được thể hiện rõ hơn trong chỉ đạo và điều hành. Thủ tướng nói: “Xét đến cùng, tăng trưởng kinh tế là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương là tạo tiền đề để người dân và doanh nghiệp tạo nên tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo. Muốn vậy phải tập trung cải cách thể chế và định hình nội dung tái cơ cấu, để đưa ra giải pháp thực hiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh”. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tiếp tục cải cách thể chế, phân cấp mạnh mẽ tới các địa phương, tăng cường minh bạch và trách nhiệm thực thi,  hạn chế tối đa để tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho  trong tất cả các lĩnh vực, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Đặc biệt Thủ tướng cũng quán triệt phải đẩy mạnh xã hội hóa, những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm thay vì Nhà nước làm. Khu vực doanh nghiệp nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, tạo việc làm mới.

Hải Hậu

Khu vực kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng của tăng trưởng.

Trong Anh: Sản xuất tại DN tư nhân ở Đà Nẵng.