Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng không quá 4%

Thứ năm, 02/07/2020 07:07

Ngày 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá quốc gia, chủ trì họp Ban Chỉ đạo, đánh giá về công tác điều hành giá nửa đầu năm, thảo luận những biện pháp nhằm quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Việt Nam tăng 14 bậc trong xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách

Theo Báo cáo Khảo sát công khai ngân sách được trình bày tại Hội thảo công bố Chỉ số công khai ngân sách Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan T.Ư năm 2019, do Trung tâm Phát triển và Hội nhập tổ chức ngày 1-7 tại Hà Nội, Việt Nam được đánh giá cao về những cải cách trong lĩnh vực này.              

Báo cáo Khảo sát công khai ngân sách cũng cho thấy, qua 14 năm với 7 kỳ khảo sát, chỉ số công khai ngân sách (OBI) của Việt Nam năm 2019 có sự tăng nhanh và cải thiện ở cả 3 trụ cột đánh giá, đó là sự minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách. Đặc biệt, ở trụ cột về công khai minh bạch ngân sách, điểm xếp hạng đã tăng mạnh và đạt 38 điểm trên thang điểm 100, tăng tới 23 điểm so với kỳ đánh giá trước (vào năm 2017). Sự tăng điểm mạnh này góp phần giúp Việt Nam tăng 14 bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và đưa Việt Nam lên vị trí 77 trong số 117 nước được khảo sát.

Được biết, Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương - MOBI 2019 cũng được công bố trong sáng 1-7. Trong xếp hạng MOBI 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thứ hạng cao nhất với 73 điểm. 

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mới có 31 trên tổng số 44 Bộ, cơ quan Trung ương có điểm khảo sát của kỳ MOBI 2019, chiếm tỷ lệ 70%. Tuy tỷ lệ này cao hơn năm khảo sát MOBI 2018, nhưng cũng chứng tỏ còn rất nhiều dư địa cải cách nâng cao công khai minh bạch ngân sách ở các Bộ, cơ quan Trung ương.

N.T

Giá thịt lợn có xu hướng giảm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm trong tháng 6, hiện ở mức khoảng từ 83.000 đến 90.000 đồng/kg. Giá thịt lợn thành phẩm phổ biến ở mức 140.000 đến 170.000 đồng/kg. Giá thịt có xu hướng giảm là do tăng lượng lợn nhập khẩu. Giữa tháng 6 đã có 500 con lợn sống đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam. Đến ngày 22-6 đã có 15 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn sống thương phẩm từ Thái Lan vào Việt Nam, trong đó có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu với số lượng dự kiến 1,9 triệu con.

Theo Tổng cục Thống kê, ngoài giảm giá thịt lợn thì việc quan trọng nữa là cần điều hành giá điện, xăng dầu ở mức hợp lý để góp phần thực hiện được mục tiêu kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng theo Nghị quyết của Quốc hội. Đối với giá dịch vụ y tế, do chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7, nên tạm thời giá dịch vụ y tế cũng chưa điều chỉnh theo lương cơ sở. Đối với giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện nay, giá sách giáo khoa do các nhà xuất bản tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền. Hiện có 3 nhà xuất bản đã thực hiện kê khai giá từ  5-6 lần đối với 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với Bộ Tài chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc sớm kiểm soát được dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho phát triển. Với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy kích cầu nội địa, nhất là du lịch, hàng không, dịch vụ bán lẻ. Thông tin đáng mừng là hoạt động dịch vụ du lịch đã trở lại sôi động, nhiều hãng đã khôi phục tỷ lệ lớn các đường bay, chuyến bay. Các khách sạn lưu trú đã đông khách trở lại.

Mặc dù dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ quyết tâm phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô. Đây là mục tiêu quan trọng và Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, không được bàn lùi. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta ở tư thế phòng ngừa dịch bệnh trong phát triển, kiên quyết không được để dịch bệnh Covid-19 quay lại lần thứ hai.

Thủ tướng nhấn mạnh, bảo vệ sức khỏe người dân là trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, đất nước không thể không phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đánh giá thế giới tăng trưởng âm trong năm nay. 5 nước ASEAN có quy mô kinh tế lớn cũng được dự báo tăng trưởng âm. Riêng Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 2,7% trong năm nay.

Thủ tướng cho biết, 6 tháng đầu năm, GDP cả nước chỉ đạt 1,81%, mức thấp nhất 10 năm qua, nhưng vẫn là mức cao của thế giới. Để thúc đẩy kinh tế xuất khẩu đất nước nửa cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh đến 4 yêu cầu.

Thứ nhất là thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể và Chính phủ phấn đấu tăng trưởng đạt 4%. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của các cấp, các ngành và nhân dân.

Thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội và chống thất nghiệp, bởi trên thế giới đang có hàng trăm triệu người mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây chính là cơ hội để chúng ta tăng cường công tác đào tạo nghề, tái cơ cấu đào tạo lao động.

Thứ ba là đặt mục tiêu kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng không quá 4%. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần ổn định tỷ giá, qua đó thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân. CPI 6 tháng đầu năm tăng 0,66%, đưa CPI bình quân giảm dần từ mức cao 6,54% về mức 4,19%, dần tiệm cận với chỉ tiêu lạm phát ở mức không quá 4% Quốc hội giao. Do đó theo Thủ tướng, cần làm rõ nguyên nhân, áp lực tăng giá đối với lạm phát ở Việt Nam để có biện pháp ứng phó. Vừa qua giá xăng dầu tăng liên tiếp 3 lần cũng tác động đến lạm phát, nên phải dự báo giá xăng dầu thế giới để có biện pháp kiểm soát được giá xăng dầu nửa cuối năm. Bên cạnh đó, dù giá thịt lợn đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục có biện pháp giảm giá thịt lợn.

Thứ tư là đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nửa cuối năm xảy ra nhiều yếu tố bất thường như mưa bão, lũ lụt. Song song với đó là dự trữ lương thực đảm bảo trong mọi hoàn cảnh, có thể can thiệp trong bất kỳ tình huống nào.

Thủ tướng nhấn mạnh, sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền. Thủ tướng đặt yêu cầu linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để đạt mức dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Những mặt hàng cần lưu ý

Đối với điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ gian lận tại các đơn vị bán lẻ và buôn lậu xăng dầu.

Đối với mặt hàng điện, không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.

Về mặt hàng nước sạch, Thủ tướng đã có chỉ đạo giảm giá nước sạch. Bộ Tài chính cần kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân trong bối cảnh khó khăn. Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp.

Về mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng đánh giá cao, nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp. Bộ Công Thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.

Về giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối học sinh con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.

Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có chương trình giảm giá, khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng.

QUANG VŨ