Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tuyến với lãnh đạo 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận

Thứ sáu, 24/07/2020 08:02

Sáng 23-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,09%, đứng thứ 2 của khu vực Tây Nguyên. Chỉ số công nghiệp IIP tăng 4,5%. Trong 6 tháng cuối năm tỉnh phấn đấu thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển KT-XH đã đề ra trong năm 2020, phấn đấu tăng trưởng đạt 7,91%, giảm nghèo trên 3,5% và hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH quan trọng khác.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ, Đắk Nông có vị trí chiến lược quan trọng đối với đất nước, đặc biệt với khu vực Tây Nguyên. Đây là tỉnh xa xôi, mới được chia tách, nhiều tiềm năng lợi thế nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để có điều kiện phát triển. Do đó, Đắk Nông rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của T.Ư.

Nhấn mạnh đòi hỏi tận dụng tiềm năng để thu hút doanh nghiệp, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cố gắng hơn trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, liên thông các cơ quan để tạo mọi điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đánh giá cao nỗ lực giảm nghèo của Đắk Nông, Thủ tướng cho rằng đối với những tỉnh miền núi xa xôi, đông đồng bào dân tộc thiểu số thì vấn đề giảm nghèo đặt ra như một chiến lược. Các cơ quan ở T.Ư và cả địa phương phải lo giảm nghèo, đời sống cần thiết cho bà con trên các mặt y tế, giáo dục, phòng ngừa dịch bệnh cho bà con.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Đắk Nông mới đạt khoảng 35%. Thủ tướng yêu cầu tỉnh nỗ lực nhiều hơn nữa, chủ động kiểm tra, đôn đốc để bảo đảm giải ngân 100% vốn ngân sách Trung ương trên địa bàn. Số lượng vốn cần giải ngân của Đắk Nông không phải là nhiều và Thủ tướng không muốn phải điều chuyển nguồn vốn của tỉnh sang địa phương khác. Tỉnh cần có chương trình hành động cụ thể về vấn đề này.

Thủ tướng lưu ý, tỉnh còn có cán bộ, người đứng đầu cơ quan địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chủ quan, xuất hiện tư tưởng nể nang đùn đẩy trách nhiệm; còn những vấn đề liên quan đến tài nguyên khoáng sản, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tán thành với lãnh đạo tỉnh về định hướng giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết tỉnh không chủ quan với Covid-19, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn bệnh bạch hầu ở tỉnh.

Trong quy hoạch phát triển của Đắk Nông, tỉnh phải có tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng tốt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 để thúc đẩy phát triển. Tỉnh phải tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp thế mạnh của địa phương như khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông sản và đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Thủ tướng cũng yêu cầu Đắk Nông quản lý tốt hơn về đất đai, bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ rừng. Cùng với đó là tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội, giảm nghèo, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi đây là lối thoát nghèo bền vững.

Thủ tướng cũng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị của Đắk Nông với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận về kết quả phát triển KT-XH và giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, đến 30-6 tỉnh đã giải ngân 38,4% trong tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách (hơn 3.000 tỷ đồng) và cập nhật đến ngày 21-7 là hơn 42%. Tỉnh cho biết, trong số các công trình trọng điểm của Trung ương, Bình Thuận tập trung vào đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn với chiều dài 160,3 km. Đến nay, tỉnh đã giao 93% mặt bằng cho ban quản lý dự án và giải ngân được 71,3% số vốn đầu tư. Bình Thuận  khẳng định, cuối tháng 8 tới tỉnh có thể giao mặt bằng để khởi công 2 đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tỉnh bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Theo Thủ tướng, Bình Thuận có nhiều lợi thế so sánh trong việc phát triển như đất đai rộng lớn, con người cần cù, có truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, có cảng nước sâu, ngư trường lớn, có khoáng sản, năng lượng tái tạo... Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh quyết tâm rất cao trong khắc phục khó khăn, vươn lên trong phát triển. GRDP của tỉnh năm 2019 đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm nay Bình Thuận đã vươn lên đứng thứ 18.

Năm nay, tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, không thay đổi chỉ tiêu thu ngân sách trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bình Thuận là một trong những địa phương tổ chức sớm hội nghị xúc tiến đầu tư, đạt kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chia sẻ, Bình Thuận đang chịu ảnh hưởng lớn của khô hạn, triều cường xâm thực ở biển. Hạ tầng KT-XH chưa đồng bộ. Sự chồng lấn quy hoạch titan với các quy hoạch khác là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, trước hết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bình Thuận nỗ lực chống hạn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, bảo vệ mùa màng, cây ăn quả. Tỉnh cũng cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để không bị chồng lấn, lãng phí - cần tập trung vào khâu quan trọng này, không để mâu thuẫn, gây thiệt hại lẫn nhau trong thời gian tới, nhất là mâu thuẫn giữa khoáng sản và du lịch.

Theo Thủ tướng, Bình Thuận có trách nhiệm quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để phát triển; phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh du lịch, đưa ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực. Trong phát triển, tỉnh cần chú ý tới hệ thống doanh nghiệp; quản lý hiệu quả tài nguyên, đất đai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chính quyền số, thương mại điện tử.

P.V