Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mọi cấp, ngành phải có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên

Thứ tư, 03/06/2020 08:33

Chiều 2-6, kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp.

Thúc đẩy các trụ cột, các đầu tàu tăng trưởng

Nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ là phát huy các thế mạnh, thúc đẩy các trụ cột, các đầu tàu tăng trưởng, lan tỏa các vùng kinh tế trọng điểm, kinh tế động lực, các thành phố lớn để tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, các ngành đều phải phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là cơ hội rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn thách thức. Thủ tướng cũng phân tích một số kết quả cụ thể về kinh tế xã hội tháng 5 như: Sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá; hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi tốt hơn; Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Việt Nam trong tháng 5 tăng 10 điểm, một trong những mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN; giải ngân vốn đầu tư công tăng 17% là tín hiệu tích cực…

Nhờ những kết quả chống dịch và phục hồi kinh tế, hình ảnh và uy của Việt Nam trên quốc tế ngày càng nâng cao. Đầu tháng 5, tờ The Economics công bố xếp hạng Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi về sức khỏe tài chính. Gần đây S&P của Mỹ duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam ở mức BB và ổn định.

Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông thời gian qua đã đưa nhiều dòng thông tin chủ lưu quan trọng như kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, truyền thông mạnh mẽ về phòng chống Covid-19…, góp phần động viên, cổ vũ, định hướng dư luận.

Nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn

Đề cập đến những thách thức phải vượt qua trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý vấn đề quan trọng hàng đầu trong số các thách thức từ bên ngoài vẫn là đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại, công nghệ giữa các nền kinh tế lớn gia tăng. Trong khi đó, tăng trưởng của nước ta chưa đạt yêu cầu; công nghiệp giảm do chuỗi cung ứng gặp trở ngại. Tuy xuất siêu gần 2 tỷ USD nhưng nhiều nhóm hàng sụt giảm mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; bội chi ngân sách nhà nước gia tăng và dự báo năm nay khoảng 5% GDP, dù đây là điều bình thường trong bối cảnh hiện nay. Nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, công nhân thất nghiệp, mất việc làm còn nhiều…

Từ những hạn chế, thách thức đang phải đối diện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đề cao kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, nhất là tại các thành phố lớn, các khu dân cư tập trung. "Phương châm đặt ra là không lùi bước trong khó khăn. Mọi cấp, ngành phải có tinh thần kiên quyết, có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt mục tiêu cao nhất của năm 2020". Do đó, cần tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép: "Chống dịch thành công và khôi phục kinh tế xã hội phải quyết liệt hơn theo tinh thần đạt mục tiêu cao nhất, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô".

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc phê duyệt, quyết liệt triển khai các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo gồm: gói chính sách tiền tệ; gói hỗ trợ về tài khóa; gói hỗ trợ an sinh xã hội cho 20 triệu người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có chương trình hành động thực hiện tốt Nghị quyết 84 của Chính phủ vừa ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các bộ, ngành phải “lời nói đi đôi với việc làm”, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông, sân bay, bến cảng… Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, kích cầu du lịch và tiêu dùng nội địa; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người nghèo.

Đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn về chống xâm hại trẻ em

Đối với vấn đề xã hội quan tâm và Quốc hội thực hiện giám sát tối cao là phòng, chống xâm hại trẻ em, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tiếp tục đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn về chống xâm hại trẻ em, giải pháp bảo vệ quyền trẻ em. Các địa phương, tổ chức, đoàn thể xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên,… cần phát huy vai trò trách nhiệm, đóng góp cùng các cấp chính quyền, chủ động giám sát, đặc biệt với các đối tượng có nguy cơ cao. Các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo trẻ em, các cơ sở vui chơi giải trí toàn quốc cần đánh giá lại rủi ro, đe dọa an ninh, tính mạng của trẻ em. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giáo dục răn đe, phòng ngừa chung. Kết hợp giữa gia đình và nhà trường, xã hội chung tay góp sức trong lĩnh vực này, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc đối với trẻ em.

Liên quan đến tồn tại lớn mà người dân hết sức quan tâm là tình trạng giá thịt lợn tăng cao, Thủ tướng nêu rõ, mặc dù Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp điều hành nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Thủ tướng chỉ đạo phải giữ giá thịt lợn ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, khâu giống, thức ăn, phát động phong trào chăn nuôi tái đàn trên cơ sở phòng ngừa tốt dịch tả châu Phi. Cùng với đó là có biện pháp khác như là nhập khẩu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành có phương án chuẩn bị tốt các chương trình kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 và Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ ưu tiên là đảm bảo đủ điện, nước cho người dân trong bối cảnh nắng nóng, hạn hán hiện nay.

QUỲNH NHƯ – QUANG VŨ