Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sản xuất lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới

Thứ năm, 16/03/2017 06:09

(Cadn.com.vn) - Sáng 15-3, tại TP Long Xuyên, An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị quy mô lớn do Bộ NN&PTNT tổ chức nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Không chỉ có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong số ít khu vực trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với đất đai bằng phẳng, màu mỡ và diện tích lớn (gần 2 triệu ha đất lúa và 4 triệu ha gieo trồng), nguồn nước dồi dào do từ dòng sông Cửu Long. Đây chính là tiềm năng, là động lực phát triển sản xuất lúa gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung của cả vùng, là điều kiện quan trọng để đưa gạo Việt Nam xuất khẩu trên 150 nước, thị trường chính là Trung Quốc (38%), Philippines (9%), Malaysia (9%), Bờ Biển Ngà (9%)...

Tuy nhiên thực tiễn đang diễn ra trong những năm qua cho thấy ngành hàng lúa gạo đã và đang đối mặt với những thách thức to lớn, đe dọa tới sự phát triển bền vững, sự sống còn của một ngành hàng gắn bó với hàng chục triệu người dân. Theo các báo cáo tại hội nghị, ước tính 2 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu 787.235 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về trị giá so với cùng kỳ. Bên cạnh kết quả đạt được, hạn chế của ngành lúa gạo được xác định là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng về lúa gạo bên lề hội nghị. Ảnh: VGP

Khó khăn lớn của cây lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay chính là biến đổi khí hậu, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Cùng với đó là sự thay đổi căn bản về nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông do hoạt động kinh tế của các quốc gia đầu nguồn. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nông dân sản xuất lúa gạo của Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn nghèo do hiệu quả kinh tế, thu nhập từ sản xuất lúa gạo còn thấp, người sản xuất được hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa thu được lợi nhuận 35 – 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan. 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.

Mặc dù có những tồn tại và thách thức lớn, song, sản xuất lúa gạo vẫn là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vẫn là ngành hàng có nhiều thời cơ do nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên thế giới vẫn tiếp tục tăng 70% so với hiện nay để nuôi sống 9 tỷ người vào năm 2050, trong đó một nửa dân số coi gạo là lương thực chính. Hội nghị cũng đặt ra chỉ tiêu đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên, tỷ lệ diện tích sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính 10 – 20% so với hiện nay...

Phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh, lúa gạo còn là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, nếu áp dụng sản xuất lớn, kết hợp chế biến sâu, tiếp thị tốt thì hiệu quả kinh tế ngành lúa có thể tăng nhiều lần và tiếp tục sinh lợi cao.

Thủ tướng nêu vấn đề, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới. Việc này đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng chính sách pháp luật đến cấu trúc vận hành, công nghệ sản xuất. Bởi vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới đi kèm những hoạch định chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, để hạt gạo Việt Nam đáp ứng sâu sắc nhu cầu tiêu dùng châu Á và thế giới; đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người trồng lúa ở Việt Nam vàc các doanh nghiệp lúa gạo.

Phải dựa vào dân, vào khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp nông thôn, chứ không phải dựa vào Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng mong muốn sau hội nghị, mở ra một chương mới cho ngành sản xuất lúa gạo của vùng và cả nước, tìm ra được một cách làm mới với năng suất, hiệu quả cao hơn, khắc phục tốt những hạn chế, bất cập thời gian qua.

TTXVN