Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các vấn đề xã hội

Thứ tư, 03/04/2019 07:36

Ngày 2-4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 để đánh giá tình hình kinh tế trong tháng và quý I. Tại phiên họp, Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý khẩn trương một số vụ việc xã hội đang gây bức xúc trong dư luận.

Toàn cảnh phiên họp.

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng, Quảng Nam ổn định thị trường bất động sản

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đối với chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong việc ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn. Theo văn bản số 2552/VPCP-NN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng cùng UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân, tránh nguy cơ "vỡ trận" như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Chỉ đạo này xuất phát từ việc trong thời gian gần đây thị trường bất động sản tại hai địa phương này "nóng" lên một cách bất thường và tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản. Địa phương này cho biết, trên địa bàn hiện có rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tiến hành rao bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật. Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý hết sức khó khăn do hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định pháp luật về dân sự. Do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Ban chỉ đạo trình Chính phủ có ý kiến chỉ đạo vấn đề này.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, giá đất cũng tăng đột biến và xảy ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06 yêu cầu UBND, các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng mọi hoạt động tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các địa phương vùng Đông Quảng Nam.

ĐÔNG A

“Phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra nhiều vấn đề xã hội nổi cộm và chỉ đạo có giải pháp xử lý sớm, triệt để. Đề cập đến vấn đề mê tín, dị đoan ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh; vụ học sinh lớp 9 đánh đập bạn dã man ở Hưng Yên hay các vụ việc ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Diễn Châu (Nghệ An), Thủ tướng đặt vấn đề liệu có phải đã đến mức báo động và là có kẽ hở trong quản lý Nhà nước?

“Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra sao cũng như trách nhiệm các địa phương có biện pháp như thế nào? Các đoàn thể, cơ quan chức năng trách nhiệm ra sao về tình trạng bạo lực học đường?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và chỉ đạo “đừng để trở thành vấn đề rất lớn khiến nhân dân phẫn nộ; phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”. Thủ tướng nhấn mạnh, lo phát triển kinh tế là cần thiết nhưng không thể bỏ qua những vấn đề xã hội bức bối mà trách nhiệm quản lý thuộc về Chính phủ.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, bạo lực học đường có xu hướng ngày càng phức tạp. Hiện Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định về vấn đề này. Các văn bản quy định đã đủ, đã phân công rõ trách nhiệm đến từng bộ, ngành. Tuy vậy, một số địa phương, trường học và cơ sở giáo dục, giáo viên thực hiện chưa nghiêm, do  đó, khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng phức tạp.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về xử lý các trường hợp ở Nghệ An, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã trao đổi với người đứng đầu các địa phương. Đối với trường hợp tại Hưng Yên, đã cho thôi chức vụ vì không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao. Những vụ việc khác sẽ tùy theo mức độ xử lý theo quy định.

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đối với những vụ việc vi phạm trong giáo dục đào tạo ở một số địa phương Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng phải được xử lý nghiêm để nêu gương và giữ kỷ cương phép nước. Việc xử lý phải căn cứ vào Nghị định 80 của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc để xảy ra những vụ việc vi phạm này.

GDP quý I tăng 6,79%

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I-2019 của cả nước, Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, nhưng nền kinh tế vẫn đạt kết quả tích cực. GDP  quý I tăng khá, đạt 6,79%; kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 3-2019 giảm 0,21%; bình quân quý I tăng 2,63%. Tình hình tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng trong tháng 3.

Nhấn mạnh đến những điểm nhấn về kinh tế - xã hội trong thời gian này, Thủ tướng cho rằng, có thu hút vốn đầu tư nước ngoài; xuất khẩu và tổng cầu tăng. Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài tăng gần 31%, vốn thực hiện 4,12 tỷ USD; vốn góp mua cổ phần tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%. Xuất khẩu tiếp tục tăng trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm tốc, giúp xuất siêu quý I là 536 triệu USD.

Bên cạnh đó, thu ngân sách quý I khả quan, đã đạt gần 27% dự toán. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 28,4 nghìn doanh nghiệp, tăng cả về số doanh nghiệp và vốn. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, chỉ 2,17%.

Thủ tướng cũng cho biết, dù bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay, thì các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực về Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá tăng trưởng của Việt Nam năm nay đạt 6,8%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng 6,6%, cao hơn bình quân khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự báo tăng ở mức 6%. Chỉ số Quản trị mua hàng PMI từ 51,2 trong tháng 2 lên 51,9 điểm phần trăm vào tháng 3.

Lưu ý Luật đầu tư nước ngoài của Trung Quốc 

Nêu lên những yếu tố thách thức đối với đất nước, Thủ tướng cho biết, kinh tế thế giới dự báo khó khăn, tăng trưởng chậm lại (OECD hạ dự báo giảm từ 3,5 xuống 3,3%). Kinh tế Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của thế giới và Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm. Thực trạng này khiến thương mại toàn cầu chậm lại, sức sản xuất bị suy yếu. Bên cạnh đó là những bất ổn về chính trị thế giới.

Thủ tướng cũng lưu ý, Luật đầu tư nước ngoài của Trung Quốc được đánh giá có sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, do vậy sẽ tạo sức ép cạnh tranh trong thu hút FDI đối với Việt Nam. Do đó, các bộ, địa phương cần nghiên cứu để có biện pháp tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nguồn lực cho kinh tế phát triển.

Về tình hình trong nước, Thủ tướng lưu ý tình trạng dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 23 tỉnh; tình hình biến đổi khí hậu và hạn hán ở Tây nguyên và Tây Nam Bộ... tác động đến sản xuất trong nước.

Trước thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành phải phát huy “trách nhiệm cao hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức để đạt và vượt mục tiêu 2019”. Nhấn mạnh năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá thực hiện Di chúc của Bác, Thủ tướng yêu cầu “tập trung cao nhất, nỗ lực cao nhất đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội”; nhất là những lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Thủ tướng yêu cầu khắc phục các điểm nghẽn của tăng trưởng, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Đó là, vốn ngân sách trung ương giải ngân giảm tới 30% so với cùng kỳ; trong đó, Bộ Giao thông vận tải giảm 58,5%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 55,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 22,6%.

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không chấp nhận tình trạng giải ngân chậm này và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành giải trình rõ, đưa ra giải pháp mạnh để thúc đẩy giải ngân ngay trong tháng 4 này.

Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, như dịch tả lợn châu Phi bùng phát, dịch lở mồm long móng, tình trạng hạn hán phức tạp ở phía Nam và Tây nguyên; giá cả nông sản có xu hướng giảm, nhất là cá tra, lúa, tiêu, điều, cà-phê.

Đối với mức tăng trưởng tín dụng quý I-2019 chỉ tăng 2,38% so với kế hoạch cả năm khoảng 14%, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hỗ trợ vốn cho sản xuất. Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi Luật quy hoạch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương phải phát động trong quần chúng mạnh mẽ hơn nữa hoạt động sử dụng các vật liệu thay thế, sử dụng một lần thay thế vật liệu nhựa; khắc phục tình trạng rác thải nhựa, nhất là ở các bãi biển ở Việt Nam.

Cho biết kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa công bố có nhiều điểm tích cực, nhưng Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề cần lưu ý là tính liêm chính, minh bạch, chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tục hành chính về đất đai, thuế và hải quan.

THU THỦY – TTXVN