Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát nhiều dự án quan trọng tại Đông Nam Bộ

Thứ hai, 28/11/2022 17:56
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh nâng công suất Nhà máy từ 141.000 m3/ngày đêm lên 469.000/ngày đêm; thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường nước thải sinh hoạt của khoảng 2 triệu người dân trên địa bàn 6 quân trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh và giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, Đôi, Tẻ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA chiếm 90%; do các nhà thầu quốc tế thi công. Thủ tướng cũng đề nghị các nhà thầu, công nhân làm việc tại dự án phối hợp với chủ đầu tư, địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo chất lượng và chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án.

Cũng trong sáng 27-11, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác khảo sát Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bến Lức – Long Thành và Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50. Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bến Lức – Long có chiều dài 57,8 km, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay (hơn 25.000 tỷ đồng) và vốn đối ứng gần 5.690 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ năm 2014, hiện đang vướng mắc về cơ sở pháp lý, trong đó có việc bố trí vốn. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, có tổng chiều dài dự án 6,92km, điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối giáp với tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.498 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2024. Hiện, công trình đã giải ngân được 211 tỷ đồng; đang tiếp tục giải phóng mặt bằng.

Sau khi nghe báo cáo về dự án, tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây đều là những tuyến đường quan trọng, có ý nghĩa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trung vùng. Do đó, các tuyến đường này phải được đâu tư mang tính lâu dài, đồng bộ, hiện đại, tránh phải đầu tư nhiều lần vừa lãng phí thời gian, công sức cho làm thủ tục, quản lý đầu tư...

* Trước đó, chiều 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Cụm cảng – Bồn bể chuyên dụng và Nhà máy tiện ích trung tâm của dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam. Cụm cảng – Bồn bể chuyên dụng và Nhà máy tiện ích trung tâm của dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, thuộc Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam - dự án trọng điểm ngành dầu khí, có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD và là hạng mục thiết yếu và không thể tách rời của Tổ hợp Hóa dầu.

Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn SCG, công ty chủ quản của LSP, cho biết, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam là dự án trọng điểm của Tập đoàn SCG và SCG Chemicals (ngành hóa dầu của Tập đoàn SCG, hay còn gọi là SCGC) tại Việt Nam, thể hiện cam kết lâu dài của tập đoàn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dự án được xây dựng với những công nghệ tiên tiến nhất trong khu vực, nhằm mang đến quy chuẩn hoạt động hàng đầu, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của tập đoàn đối với các quy tắc an toàn và bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hơn 3 năm trước khi khởi công xây dựng Cụm cảng – Bồn bể chuyên dụng và Nhà máy tiện ích trung tâm của dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam cũng là lúc bùng phát đại dịch COVID-19. Dù gặp nhiều khó khăn, song chủ đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà thầu đã nố lực, cố gắng vượt qua khó khăn để hôm nay dự án được khánh thành. Theo Thủ tướng, Tổ hợp Hóa dầu này có vai trò hết sức quan trọng, cùng với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ở phía Bắc và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn ở miền Trung, Việt Nam sẽ có các nhà máy lọc hóa dầu ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đảm bảo cung cấp nhu cầu xăng dầu cho cả nước.

B.T - T.T