Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng). Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 14.331 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, tuyến cao tốc có vận tốc thiết kế 80km/giờ, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp.
Đây là dự án rất khó về kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.
Tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.Nhà đầu tư áp dụng mô hình PPP+ để huy động nguồn vốn cho dự án, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn trái phiếu, đặc biệt là vốn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư thứ cấp đồng thời là các tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC) có năng lực, kinh nghiệm.
Phát biểu tại lễ khởi công,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến thời điểm hiện nay, là mong mỏi thiết tha của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân tỉnh Cao Bằng. Có triển khai được dự án này thì chúng ta mới có thể đền đáp được hy sinh, đóng góp của nhân dân trên vùng đất chiến khu xưa. Dự án sẽ tạo sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc Bộ.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chủ trương của Đảng; động viên nhân dân nhường đất cho dự án, bảo đảm đời sống của nhân dân đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chủ động, tích cực; các bộ, ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu. Chính phủ cùng với địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực với tinh thần khó khăn ở đâu, giải quyết ở đó, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc.
Thủ tướng tin tưởng với truyền thống cách mạng hào hùng của tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn,nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, đơn vị, công trình sẽ được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.Thủ tướng chính thức phát lệnh khởi công dự án và đặt tên cho chiến dịch thực hiện dự án là “Chiến dịch Đông Khê năm 2024”.Nhân dịp này, các đơn vị như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng… đã trao kinh phí hỗ trợ tỉnh Cao Bằng xây dựng nhà kiên cố cho người dân, góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
QĐND