Thừa giáo viên, chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm 55%
(Cadn.com.vn) - Năm 2014, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) TT-Huế tuyển 540 chỉ tiêu sư phạm đối với các ngành học thì năm nay trường chỉ được UBND tỉnh TT-Huế cho phép đào tạo 250 chỉ tiêu, giảm gần 300 chỉ tiêu, tức là giảm 55% số lượng sinh viên so với năm học trước. Việc chỉ tiêu giảm mức kỷ lục là một trong những giải pháp nhằm giải quyết bài toán thừa giáo viên (GV) ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ở tỉnh TT-Huế.
Giáo viên “biệt phái”
Từ đầu năm học 2014-2015, sau khi các trường trong toàn tỉnh TT-Huế sắp xếp lại số học sinh trên từng lớp đã phát hiện thừa 234 GV bậc THCS. Theo ông Lê Đình Phong, Trưởng Phòng GD-ĐT H. Phú Vang, trong tổng số 76 GV bị thừa trong năm học 2014-2015 của huyện, đã có 18 trường hợp dạy các môn tự chọn như Anh văn, nhạc họa, thể dục... của khối THCS được chuyển sang dạy bậc tiểu học sau khi họ có đơn tự nguyện xin chuyển.
Ngoài ra, một số GV thừa ở các bộ môn không phù hợp với cấp tiểu học, các trường phải bố trí dạy thêm ở các lớp bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo cho HS yếu, kém của trường để đủ số tiết theo quy định. Ngoài ra, H. Phú Vang cũng “biệt phái” hơn 10 GV thừa sang phụ trách tại các trung tâm học tập cộng đồng của xã để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, khuyến nông, xóa mù...
Ngoài H. Phú Vang, cũng trong năm 2014, toàn tỉnh TT-Huế có gần 20 GV khác cũng bị “biệt phái” sang các trung tâm học tập cộng đồng. Theo ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, việc điều động GV sang làm việc tại các Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn theo Quyết định của Bộ GD-ĐT nhằm giải quyết tình trạng giáo viên thừa, đồng thời góp phần đưa hoạt động các trung tâm này đi vào nền nếp, phát huy tốt chức năng. Đối với những trường hợp này, dù bị “biệt phái” nhưng vẫn hưởng lương, các chế độ của ngành.
Một GV cấp 2 bị “biệt phái” chia sẻ: “Mình cũng là GV biên chế như một số GV khác nhưng thay vì dạy chuyên trách một bộ môn, nay chuyển đến làm việc tại Trung tâm học tập cộng đồng nên gánh đủ việc. Tại trung tâm học tập cộng đồng, đối tượng học khác nhau nên đôi khi mình gặp lúng túng. Không biết đến khi nào mình mới quay trở lại trường học giảng dạy đúng chuyên môn như khi vừa mới được tuyển vào?”.
Nếu năm học 2014-2015, Trường CĐSP TT-Huế đào tạo 540 chỉ tiêu sư phạm thì năm nay, UBND tỉnh chỉ cho phép trường đào tạo 250 chỉ tiêu. |
Giảm 55% chỉ tiêu đào tạo
Tại kỳ họp HĐND tỉnh TT-Huế mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh chất vấn UBND tỉnh về tình trạng khắc phục GV thừa trong học kỳ II năm học 2014-2015 và 2015-2016. Ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã nêu ra nhiều giải pháp khắc phục thực trạng này. Cụ thể, từ tháng 12-2014 đến nay, 8/9 huyện, thị xã, TP trên toàn tỉnh tạm dừng tuyển dụng GV tiểu học và THCS. Ngoài ra, cũng theo ông Phạm Văn Hùng, ngành giáo dục đã thực hiện việc điều động GV bộ môn từ Trường THCS sang dạy Trường tiểu học hoặc từ các đơn vị thừa sang đơn vị thiếu; các huyện, thị xã, thành phố đã điều động 45 giáo viên.
Để sử dụng số biên chế thừa có hiệu quả trong lúc chưa điều động được, các đơn vị có đủ điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức mở thêm các lớp học 2 buổi/ngày ở các cấp học. Cụ thể, các đơn vị đã tổ chức thêm nhiều lớp học 2 buổi/ngày. Đến nay, toàn tỉnh đã bố trí được 99 GV có biên chế tại một trường nhưng dạy liên trường để đảm bảo số tiết dạy theo quy định (tiểu học 23 lớp và THCS 33 lớp). Trong đó, H. Phong Điền chiếm tỷ lệ cao nhất, với 12 lớp tiểu học và 19 lớp THCS.
Ông Phạm Văn Hùng cho biết, trong năm học 2015- 2016, ngành Giáo dục TT-Huế tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện 10 giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục tình trạng thừa GV và đang thực hiện có hiệu quả. Trước tình trạng thừa GV và sinh viên mới ra trường thất nghiệp, ngay từ đầu năm, tỉnh TT-Huế đã tính toán kỹ việc giao chỉ tiêu đào tạo GV bậc mầm non, tiểu học và THCS cho Trường CĐSP TT- Huế. Nếu trong năm học 2014-2015, Trường CĐSP TT- Huế đào tạo 540 chỉ tiêu thì trong năm học này (2015-2016), UBND tỉnh TT-Huế cho phép Trường CĐSP này đào tạo 250 chỉ tiêu, giảm 300 chỉ tiêu so với năm học trước.
Cũng như ở các địa phương trong cả nước, thời gian gần đây, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ở Huế khá nhiều. Một nhân viên làm tại Cty dệt may ở Huế cho biết, ở cơ sở này có khá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học xin vào làm công nhân. Trong quá trình phỏng vấn, các sinh viên này đều cho biết trước đó có nộp đơn xin vào làm việc Nhà nước nhưng nhiều năm chờ đợi vẫn không có kết quả.
Khá nhiều trường hợp khác sau khi tốt nghiệp ĐHSP hoặc CĐSP ra trường 5-7 năm vẫn không có việc làm nên xin đi dạy hợp đồng ở các trường. “Mỗi tiết dạy hợp đồng, GV được trả từ 17-25 ngàn đồng. Tháng nào dạy nhiều nhất khoảng 35 tiết thì tính ra tiền lương khoảng 700 - 850 ngàn đồng. Ngoài xin đi dạy hợp đồng để củng cố kiến thức thì buổi tối, em còn làm nhân viên chạy bàn ở một quán cà-phê”, Trần Thị Q. H. (28 tuổi, trú TX Hương Trà, TT-Huế) tâm sự.
H.Lan